Xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu sử dụng cây cảnh, hoa kiểng dùng trang trí trong gia đình được người dân quan tâm. Tại Bến Tre, có nhiều người trồng phong lan theo hướng kinh doanh và đã làm giàu từ loại cây cảnh này. Anh Nguyễn Duy Tường, ở ấp Phước Trung, xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc đạt thu nhập khá cao với mô hình trồng phong lan bán giống và bán hoa.
Trước khi là chủ vườn phong lan khá quy mô, anh Tường từng là công nhân chăm sóc phong lan cho các hộ trồng phong lan ở Củ Chi (TP. HCM). Nhận thấy khách hàng chọn mua phong lan làm vật trang trí ngày càng tăng, với kỹ thuật chăm sóc phong lan học được trong thời gian 2 năm làm thuê, anh Tường về quê nhà ở xã Phước Mỹ Trung đầu tư điểm sản xuất, kinh doanh phong lan.
Lúc đầu, anh Tường mua 2.000 giỏ phong lan dendrôbium và 2.000 giỏ môkara về nuôi lấy hoa và nhân giống bán cho khách hàng. Sau thời gian chăm sóc khoảng 6 tháng, anh Tường thu hoạch đợt hoa phong lan dendrôbium đầu tiên cung cấp trên thị trường. Sau một năm chăm sóc, mỗi giỏ phong lan anh Tường thu hoạch khoảng 40 bông hoa bán cho các shop hoa tươi trong tỉnh Bến Tre và tỉnh Trà Vinh nhằm cung cấp cho khách hàng dùng làm trang trí các tràng hoa, giỏ hoa, trang điểm cô dâu... Ngoài ra, từ năm 2009 đến nay anh Tường đã nhân giống phong lan dendrôbium bán trên 2.000 giỏ với giá bình quân 30.000 đồng mỗi giỏ. Riêng về giống phong lan môkara, đến nay anh đã nhân giống bán được 1.300 giỏ, giá bình quân 120.000 đồng mỗi giỏ.
Anh Tường cho biết: “Phong lan trồng dễ thành công, nguyên liệu trồng phong lan chủ yếu là than, vỏ dừa. Các chậu lan cần chọn cùng kích thước, cùng giống, cùng độ tuổi, bố trí theo từng khu vực để dễ chăm sóc. Nước tưới cho phong lan phải sạch, có rãnh nước dưới dàn lan để tạo khí hậu mát cho vườn lan. Chỉ tưới nước đủ ẩm, nên tưới vào sáng sớm hay chiều mát, tránh tưới buổi trưa khi trời đang nắng nóng. Cần che bớt ánh sáng mặt trời, tránh ánh nắng chiếu toàn bộ, nhất là vào buổi chiều. Bên cạnh đó, cần quan tâm phòng trừ các loại sâu bệnh cho phong lan như sâu hại thân lá, rệp sáp, rệp trắng, rầy mềm, nấm, vi khuẩn hay virus, bệnh thối rễ,…”.
Với diện tích 250 m2 đất sản xuất phong lan, năm 2010 anh Tường đạt thu nhập khoảng 70 triệu đồng, năm 2011 tăng lên khoảng 100 triệu đồng. Bà Nguyễn Hạnh Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc nói: “Mô hình trồng hoa phong lan của anh Tường hiện nay được địa phương chọn nhân rộng đối với các hộ có điều kiện sản xuất phù hợp. Qua đó góp phần phát triển nghề cây giống, hoa kiểng mà chúng tôi đang có kế hoạch vận động người dân trên địa bàn xã hình thành làng nghề chuyên về cây giống hoa kiểng trên địa bàn”.
Ngoài các giống phong lan chủ lực trên, anh Tường còn đầu tư mua 650 giỏ phong lan các giống như hồ điệp, cattleya, vũ nữ để nhân giống cung cấp theo thị hiếu của khách hàng. Anh Tường cho biết, tới đây anh sẽ nâng quy mô sản xuất phong lan dendrôbium lên 10.000 giỏ để đáp ứng nhu cầu khách hàng đang tăng cao hiện nay.
No comments:
Post a Comment