Trong 2 đợt khảo sát vào cuối tháng 5 và đầu tháng 7/2010, nhóm nghiên cứu trẻ thuộc Phân viện văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại TT-Huế đã tìm ra 2 mộ cổ cùng và nhiều văn bia rất độc đáo tại TP Đà Nẵng.
Ngôi mộ thứ nhất được tìm thấy trong khu dân cư xóm 10/53 đường Nguyễn Văn Linh, phường Nam Dương, quận Hải Châu.
Mộ thứ hai nằm trên đường Nguyễn Hoàng, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê.
Ngôi mộ có hình dạng lưng ngựa được phát hiện vào tháng 5/2010.
Chủ nhân ở 2 ngôi mộ này đều có gốc tích là tầng lớp giàu có lúc xưa. Cả 2 văn bia chính trên mộ đều có chữ “Việt cố” – là chữ có gốc tích thời chúa Nguyễn. Điều này được khẳng định qua nghiên cứu của nhiều nhà sử học và khảo cổ học ở 2 lăng người vợ chúa Nguyễn tại huyện Duy Trinh và Duy Xuyên (Quảng Nam) - trên tấm bia mộ cũng có chữ “Việt cố” thể hiện tình cảm nhớ về đất Bắc của cả dòng họ Chúa khi di cư, mở đất về phương Nam.
Văn bia ở mộ thứ nhất có ghi năm Bính Dần. Theo giả thiết các nhà nghiên cứu đặt ra là mộ được xây dựng nằm 1 trong 3 mốc: 1626, 1686 hay 1746 (theo niên kỷ 60 năm).
Trên văn bia tại ngôi mộ thứ 2, theo các nhà nghiên cứu, mộ này thuộc niên đại từ thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên đến chúa Nguyễn Phúc Khoát (1679 hay 1739).
Hình dáng 2 ngôi mộ cổ được đắp nổi, gò mộ nhô lên theo hình lưng ngựa. Hoa văn trang trí trên bia bằng đá sa thạch được khắc rất sâu nhằm giữ được lâu theo thời gian. Đỉnh bia có hình mặt trời và hoa lửa – là hệ ký hiệu rất đặc trưng vào thời đầu chúa Nguyễn. Diềm bia có nhiều đường nổi và sự phổ biến mô-tip hoa sen tượng trưng cho tư tưởng Phật giáo dưới thời chúa Nguyễn.
Cấu trúc mộ chúa Nguyễn thường thấy với nhiều lớp tường thấp bảo vệ, trên mỗi trụ có đúc nổi hình hoa sen.
Được biết, trong 8 năm nay, nhóm đã tìm ra gần 40 ngôi mộ cổ và nhiều vật dụng bằng vải, đồng, gỗ thời chúa Nguyễn từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế. Những chi tiết mỹ thuật đặc trưng trên mộ tại 2 tỉnh này là hình trứng, trái đào, lá sen, kèo ngựa và yên ngựa.
Theo anh Nguyễn Phước Bảo Đàn, trưởng nhóm nghiên cứu, Phân viện văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại TT-Huế: “Nhiều mộ cổ thời chúa Nguyễn xuất hiện liên tiếp từ khu vực Bắc Hải Vân đến Nam Hải Vân là minh chứng rõ ràng cho con đường khai hoang, lập đất mở rộng đất nước của các chúa trong hành trình Nam tiến. Điều này củng cố cho nhận định về sự tồn tại có một giai đoạn mỹ thuật trang trí đặc sắc thời chúa Nguyễn đã bị lãng quên bởi chiến tranh giữa 2 triều Trịnh – Nguyễn, chúa Nguyễn – Tây Sơn từ hơn nửa thập kỷ nay”.
Song song với việc khảo sát tiếp tục các mộ cổ chúa Nguyễn, cả nhóm đang gấp rút để hoàn thành bản thảo cho cuốn sách - ảnh dày 250 trang “Nghệ thuật tạo hình thời chúa Nguyễn”, dự định sẽ xuất bản vào cuối năm 2010 với nhiều dữ liệu từ ảnh, bản vẽ, sơ đồ, các bản dập bia mộ và tư liệu điền dã quý.
Đại Dương (Báo Dân trí)
No comments:
Post a Comment