Kiểng cổ hay cây cảnh tạo hình lối cổ là một loại hình nghệ thuật có từ ngàn xưa. Ở Việt Nam, nó đã được phổ biến thành một dạng nghệ thuật dân gian. Tùy theo theo niệm thẩm mỹ cảu từng dân tộc, từng khu vực mà cây kiểng cổ có nhiều kiểu khác nhau.
Nói đến kiểng xưa, ta nhận thấy kiểu hình của nó rất đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, cây kiểng cổ được uốn sửa theo lối chiết chi nghị diện, tàm tùng tứ đức hoặc Tam cương ngũ thường là một dạng thức đặc biệt, rất đặc trưng cho khu vực Nam bộ. Đây là một kiểu thức đại diện cho cây kiểng xưa ở miền Nam mà không nơi nào có.
1. Nguồn gốc của kiểng cổ
Về nguồn gốc, có thể nói từ khi Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh, người có công khai phá vùng đất phía Nam và đã đưa những lưu dân vào lập ấp, xây dựng cuộc sống mới. Trong dòng người lưu dân này (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quy Nhơn…) rất đa dạng về thành phần, còn một số người có điều kiện hơn nhưng họ chán ghét cuộc sống làm quan, thêm vào đó là chiến chanh liên miên giữa Chúa Nguyễn và Chúa Trịnh làm cho dân chúng ngày càng cơ cực. Cho nên họ là ngững con người có thể do được chiêu mộ, bị lưu đầy hay tự động bỏ xứ mà vào phương Nam mưu cầu một cuộc sống mới. Chính điều này ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần, tư tưởng của họ trong quá trình xay dựng, phát triển cuộc sống trên vùng đất mới cũng có thể nói rằng tư tưởng của họ vẫn còn hoài niệm về cố hương, họ vẫn không quên nguồn gốc của mình, không quên đạo làm người, dù có bỏ xứ mà đi. Điều này thể hiện rất rõ trong phong cách, lối uốn sửa tạo dáng cây kiểng xưa mà chúng ta đang xem xét.
Theo thời gian, những người ở đất phương nam, dần dà xây dựng được sự nghiệp. CÙng với sự phát triển về kinh tế, sự phân chia trong xã hội đã xuất hiện, một số điền chủ có tài sản ngày càng nhiều, ngay cả người nghèo cũng có một cuộc sống khác hơn thời cha ông còn ở bổn quán. Một cuộc sống mới đã xuất hiện trên vùng đất mới, , tuy còn hoang sơ nhưng nhàn, điều kiện sống tốt, việc trồng cây kiểng hưởng nhàn dần dà định hình trong xã hội. Có lẽ vì tưởng nhớ công ơn ông Nguyễn Hữu Cảnh, sợ phạm úy, mà người dân phương nam đọc trại từ “Cây cảnh” thành ra “Cây kiểng”.
2. Đặc điểm của cây kiểng Nam bộ
Do ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng Lão giáo, con người muốn gần lại với thiên nhiên hơn và do ảnh hưởng của Nho giáo nên những bậc tiền nhân xưa dù xa quê cha, đất tổ vẫn không quên được nguồn cội và đạo làm người, cho nên trong quá trình tạo tác cây kiểng, họ muốn gửi gắm tinh thần, tâm ý của mình vào từng chậu cây, từng tán lá, nhằm mục đích sửa mình và giáo dưỡng con cháu. Cây được sửa có ngọn quy căn, hòi đầu (thể hiện sự không quên nguồn cội). Kiểu “Tam cương ngũ thường” hay “Tam tòng tứ đức” thể hiện đạo làm người của nam và nữ thật rõ ràng. Như vậy tư tưởng, triết lý sống của người xưa được hình tượng hóa rất rõ nét qua dáng thế của cây kiểng cổ.
Tên gọi kiểng cổ chỉ mới xuất hiện ở vài thập niên sau này, từ khi loại hình bonsai của Nhật Bản lan rộng vào miền Nam. Trước kia người ta chỉ gọi là cổ mộc, cây kiểng. Đến bây giờ khi nghe từ “kiểng cổ” đại đa số người chơi cây đều liên tưởng đến kiểu thức kiểng chiết chi nhị diện và nó gần như là một định danh cụ thể cho loại hình kiểng này.
Cây kiểng cổ là cây được uốn sửa một cách công phu, đúng số tán, đúng nhánh, không thừa, không thiếu, mỗi thành phần trong cây đều có một giá trị nhất định, tiềm ẩn một triết lý sống cụ thể.
Cây kiểng lấy số 3, 5 làm căn bản do xuất phát từ nguyên lý âm dương, ngũ hành… thường sử dụng số lẻ, ít khi sử dụng số chẵn, ngoại trừ một số thế cây thể hiện các điển tích. Bộ kiểng cổ ban đầu thường là bộ 5 cây gọi là “ngũ phúc” được xếp theo hình chữ “Ngũ”. Bộ 3 cây gọi là bộ “Tam tài” xếp thẳng hàng, cây trung bình được xếp ở giữa. Về sau này vì những lí do rất khác nhau, kiểng cổ chỉ còn được thưởng ngoạn ở một cặp đôi đối xứng nhau.
Cây trung bình ở giữa bộ cây kiểng là cây chủ, thường có tầm vóc cao hơn, cành nhánh được uốn chiết chi theo kiểu âm- dương và thường được sửa theo dáng “thất hiền” hay “ngũ phúc”.
Các cây hai bên thường thấp hơn, thân được uốn hơi cong theo dáng xuy phong, tùy theo dáng cơ bản và tính chất của cây mà nó được uốn sửa theo dáng mẫu tử hay phụ tử.
3. Phân loại cây kiểng cổ Nam bộ
a/ Xét về mặt tính chất
Cây đại diện cho phái nam là cây xuy phong dáng phụ - tử. HÌnh dáng câu “cha” mạnh mẽ, gân guốc, cành nhánh được uốn sửa thiên về dương tính, phóng khoáng, nét mạnh (kiểu tán võ). Cây thường được sửa theo dáng “Tam cương ngũ thường” tiêu biểu cho đạo làm người của phái nam trong thời kỳ đó. Tâm cương là: quân thần cương (đạo vua tôi), phu thê cương (đạo vợ chồng), phụ tử cương (đạo cha con). Ngũ thường là năm đức tính cảu người nam nhân là : nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Nhing chung đó là giềng mối, phẩm chất của đạo làm người, của người quân tử trong xã hội thời đó.
Cây đại diện cho phái nữ là cây xuy phong mẫu tử. Hình dáng cây thường mềm mại uyển chuyển. Cành nhánh cây được uốn sửa cách ẻo lả hơn, thiên về âm tính (kiểu tán văn), cành có thể uốn tréo qua thân (tréo chữ nữ) biểu hiện cho nữ tính, cho nên thông thường những loại cây có hoa, có hương thơm thường được sử dụng cho loại hình này. Cây kiểng được sửa theo ý này là cây “Tam tòng tứ đức”. Tam tòng: Tại gia tòng phụ, Xuất giá tòng phu, Phu tử tòng tử. Tứ đức là bốn đức tính của người phụ nữ: Công – dung – ngôn – hạnh.
Việc uốn sửa cây kiểng cổ tuân thủ một cách nghiêm ngặt các quy tắc âm – dương.
b/ Xét về hình thái (hình dáng):
Cấu trúc thân cành ở cây xuy phong Tam cương ngũ thường ta thấy: Phần gốc thân được trồng và sửa nghiên khoảng 45 đọ so với mặt đất, phần thân dưới được uốn cong hướng vào trực chính tâm, phần thân còn lại đến ngọn được uốn lượn nhẹ, cuối cùng ngọn cũng đi vào trục chính tâm của gốc (quy căn) biểu đạt một điều: dù có đi xa, phát triển đến đâu cũng không hề quên nguồn cội. Cây tử xuất phát từ gốc cha hợp thành một góc 90 độ. Chiều cao thân cây tử không vượt quá tán thứ 2 của cây chính và được uốn hơi cong theo chiều ngược lại với cây cha.
Cây cha có cấu trúc 5 tán: gốc xiên về bên phải thì tán thứ nhất được uốn về bên phải. Đoạn thân thứ hai uốn cong nhẹ vào trong, tán thứ hai được uốn về phía trái tuân thủ nguyên tắc âm – dương. Đoạn thứ ba được uốn cong vào chính trục tâm cảu gốc, tán thứ 3 được uốn về phía bên phải theo lối chiết chi. Đoạn thân thứ tư được uốn về phía bên trái. Đoạn thân thứ 5 được uốn về chính tâm gốc (quy căn)
Cây tử có cấu trúc 3 tàn: Tàn thứ nhata được uốn về phía bên trái, tạo nét cân bằng với cây cha. Tàn thứ hai được uốn về phía bên phải theo lối chiết chi, tàn thứ 3 là ngọn chỉ cao bằng hoặc thấp hơn tán thứ 2 của cây chính.
Cành ở kiểng cổ được uốn sửa theo lối chiết chi nhị diện có âm, có dương, có văn có võ thật hài hòa. Cành được xếp đặt ở phần lồi của thân. Cành được uốn sửa theo kiểu vòi chạo cong lên, cong xuống thể hiện nguyên lý cực dương biến âm, cực âm biến dương.
Nếu đúng khoảng cách mà cành lại mọc ở vị trí ngược lại (cũng có thể theo ý muốn chủ quan) hoặc mọc ở phần lõm của thân, cành sẽ được uốn vòng qua thân chính theo hướng ngược lại. Việc uốn cành như vậy được xem là một nét đẹp của cây và cành này được gọi là cành uốn chữ nữ. Theo quan điểm riêng, thì đây là kiểu uốn tàn văn chứ không phải tàn võ, vì đó biểu đạt tính mềm dẻo, tính nhu, tính âm, thể hiện nữ tính.
Tán lá được cắt tỉa thành từng đĩa mỏng, hình trong, trái tin hay được tạo thành khối hình bán nguyệt mỏng. Các nhánh sơ cập, thứ cấp được cắt tỉa theo lối chiết chi để tạo ra một tàn cây đẹp.
Ngọn là phần cao nhất của cây, được tính là 1 tàn. Ngọn được cắt sửa thành khối hình bán nguyệt hay đĩa mỏng và nó được sửa theo các kiểu sau:
- Kiểu tàn võ (dương): tàn ngọn mọc thẳng, được cắt sửa thành đĩa hay khối không cho vươn cao nữa.
- Kiểu tàn văn (âm): Tàn ngọn được uốn cong xuống hướng về phía gốc (ý hồi đầu) rất khiêm tốn, nhã nhặn.
- Kiểu tàn văn võ (âm - dương): ngọn được chia ra hai bên tạo thành hai khối quân bằng thể hiện sự cân bằng âm – dương, biểu đạt sự trung dung ở đời.
Cách uốn sửa tàn ngọn phụ thuộc vào dáng thế, tính chất của cây cảnh cho phù hợp. Cây có gốc to, dáng thế mạnh biểu thị nam tính mạnh, được uốn sửa ngọn theo kiểu tàn võ, cây có dáng mềm mại uyển chuyển ngọn được sửa theo kiểu tàn văn rất hợp lý.
Về chiều cao của cây kiểng cổ, thông thường là 1,6m, vì nó là dạng kiểng dùng để trang trí trước sân nhà, cho nên tầm vóc được sửa cho cân đối hài hòa với nhà và cũng là ngang tầm quan sát của người thưởng ngoạn. Tuy nhiên đây cũng là con số tương đối, tham khảo, chứ không mang tính chuẩn mực như một số tài liệu đã đưa ra. Vì một cây kiểng cổ có giá trị, thể hiện ở tính chất mà nó mang, chứ không phải do khuôn khổ quy định về thước tấc. Chiều cao của cây phụ thuộc vào độ lớn cảu thân gốc một cách hài hòa và cũng một phần do ý muốn chủ quan của việc trang trí.
Về mặt nguyên tắc, cây kiểng cổ chiết chi nhị diện, bộ cành được uốn sửa theo lối âm – dương nghĩa là một tàn bên này, một tàn bên kia. Tuy nhiên, trong thực tế quan sát được ở một số cặp kiểng cổ ta thấy: hai tàn dưới thấp của cây chỉnh lại được uốn về một bên, tàn thứ ba mới được uốn về phía dối diện. Ở đây có lẽ nhằm mục đích tạo ra một bố cục cân bằng trong tác phẩm, tác phẩm sẽ không bị nặng nề về phía cây tử chăng? Và cũng có thể tàn thứ hai của cây chính sẽ không gần mà che khuất tàn ngọn của cây tử tạo nên nét thông thoáng cho tác phẩm.
Nhân việc bàn về cây kiểng cổ, chúng tôi xin được nhắc lại câu: “Vô nữ bất thành mai, vô thập bất thành tùng”. Câu này hàm ý chí tính chất của cây được uốn sửa một cách mềm mại, yểu điệu, thể hiện được nữ tính ở cây mai. Còn ở cây tùng được uốn sửa một cách dứt khoát, mạnh mẽ, cương trực, cành nhánh không được uốn sửa yểu điệu, khí phách như người quân tử, biểu hiện cho nam tính.
Như vậy cây mai đại diện cho phái nữ, do đó nó được uốn sửa làm sao cho bộc lộ được nét mềm mại, nữ tính là biểu hiện được tính chất của cây. Nếu có cành bắt chéo chữ nữ thì càng đẹp, nhưng trên cây chỉ nên có 1 cành bắt chéo chữ nữ để biểu hiện tính chất là đủ, chứ không phải bắt nhiều cành chéo lên cây mai mới thể hiện được điều này, vì nếu cành bắt chéo nhiều trên cây sẽ có một ý nghĩa khác không tốt, không hay. Theo quan điểm riêng, ngay trên một cặp kiểng cổ cũng chỉ nên uốn chữ nữ ở một cây mà thôi. Nếu cả hai cây cùng có cành chéo nữ, thì ý nghĩa của nó cũng không tốt, có thể được hiểu theo hướng khác cách lệch lạc.
Như vậy sửa lối chiết chi nhị diện ở cây kiểng cổ đặc trưng cho miền nam, thể hiện rất rõ tâm ý cảu người tạo ra nó. Qua việc thưởng ngoạn cây, người xem còn thấy rõ được triết lý sống, hiểu rõ cương thường đạo lý giữa con người và xã hội, để từ đó xác lập được giềng mối quan hệ gia đình và xã hội, tự tu tâm dưỡng tính, giáo dưỡng tinh thần. Nó không những là một môn nghệ thuật mà còn là một triết lý đạo đức đưa con người đến chân thiện mỹ thời đó.
Xuất phát điểm của nghệ thuật kiểng cổ chính là thú chơi tao nhã vào thời gian nhàn rỗi của con người. Song trong giai đoạn hình thành và phát triển nghệ thuật kiểng cổ đã vượt lên nhu cầu tiêu khiển, giải trí của con người trở thành loại hình văn hóa dân gian, phản ánh nhận thức thẩm mỹ và nhân sinh quan con người đương thời. Thông qua cách chọn giống cây cảnh để tạo tác và đặt tên cho những dáng thế khác nhau, các nghệ nhân đã làm cho gốc kiểng vô tri trở thành những tạo vật có tính biểu tượng, tính triết lý và giáo dục sâu sắc.
No comments:
Post a Comment