Thời điểm này sẽ là quá sớm để nói về sự bung nở của những cánh hoa mai, thế nhưng chúm chím những chiếc búp nõn đã bắt đầu hé ra từ sum suê cành lá trong những khu vườn của các hộ trồng hoa mai ở Đại Lộc.
Cây mai nuôi sống gia đình
Anh Bùi Đình Bảo, người đã gắn bó với nghề trồng mai 20 năm nay ở Ái Nghĩa cho biết, nhà anh trồng mai trên 4 sào đất. Đây là diện tích canh tác mai vườn. Ngoài ra, anh còn dành ra một khoảng đất khá rộng để chăm chút một lượng tương đối lớn các gốc mai. Các gốc mai này được tỉa tót, uốn nắn tạo thành nhiều hình dáng bắt mắt.
Theo anh Bảo, trung bình, vào dịp tết, vườn mai của gia đình anh cho thu nhập từ 30 đến 50 triệu đồng. Đó là loại mai vườn cưa ngang gốc để bán thân mai. Còn đối với các gốc mai cổ được chăm chút cả chục năm trời, số tiền thu được nhiều hơn, 50 đến 70 triệu đồng. Anh Bảo san sẻ: “Cây mai chỉ bán được vào dịp tết. Người ta mua vì mong ước cái đẹp đem lại sự thịnh vượng cho gia đình. Vì vậy đối với từng cây mai, mình phải thật sự tỉ mỉ sửa soạn. Một thân mai đẹp phải có thế thật vững với nhiều nhánh, có nhiều búp và chỉ được một đọt duy nhất. Nước da của cây mai cũng quan trọng không kém, nó phải trơn để chứng tỏ sạch bệnh, phải nhẵn để tạo thẩm mỹ cho thân mai”.
Trồng mai đã 20 năm, nhưng anh Bảo khiêm nhường nói: “Đã đến làng mai ở Đại Lộc này thì anh nên ghé thăm cụ Bùi Đình Châu ở khu 8 đây và anh Lê Me ở khu 5 nữa. “Sống với cây mai”, họ là những người tạo nên sự cân bằng đáng nể giữa làm kinh tế và giữ gìn cái không gian văn hóa rực rỡ quyến rũ sắc vàng ở huyện Đại Lộc”.
Cốt cách quân tử
Cụ Bùi Đình Châu đã bước sang tuổi 80 nhưng thần thái quắc thước. Cụ Châu đã gắn với nghề trồng mai được 55 năm. Cụ chính là người đầu tiên gầy dựng không gian quyến rũ sắc vàng không lẫn được ở Đại Lộc. “Một thiên truyện” thật như đùa được cụ viết ra cách đây 55 năm mà bây giờ hồi tưởng lại đôi mắt cụ hãy hấp háy cười: “Người dân thấy tôi trồng nhiều mai thì ngạc nhiên, tôi bảo trồng mai để dựng nhà. Không ai tin cả nhưng tôi làm nhà từ cây mai là chuyện không bịa”. Thì ra là thấy cây mai hợp thổ nhưỡng, cụ Châu đã ươm thật nhiều, rồi cứ thế, theo thời gian, cây mai kín khắp khu vườn. Chỉ vài lứa mai bán ra, cụ Châu đã đủ tiền để dựng nhà. Không chỉ vậy, thấy giá trị kinh tế cao của cây mai, cụ Châu đã nhân giống ra cho mọi người, vì thế mà mỗi dịp tết đến, dù có bán nhiều bao nhiêu, thì cả khu 8 Ái Nghĩa vẫn rợp một màu vàng ngây ngất của hoa mai.
Với hơn 1 sào mai vườn, năm vừa rồi cụ Châu bán được hơn 20 triệu đồng. Nhưng cụ bảo, bây giờ già rồi, không thể suốt ngày quẩn quanh trong vườn mà “đếm lá, đo hoa” nên tới đây cụ sẽ chuyển lại số diện tích trồng mai này cho người con trai chăm sóc. “Chỉ tốn công trông nom sửa soạn phòng trừ sâu bệnh thôi, cứ 4 năm sau ngày cưa ngang thân để bán thì đã có thể bán được lứa sau rồi. Một thân mai như thế chừng 5 đến 7 triệu đồng cũng bõ công lắm chứ” - cụ Châu chia sẻ. Đã hơn 50 năm theo nghề trồng mai, cụ Châu cho biết, theo nghề trồng mai phải biết cách “đọc thời tiết”, lúc nào thì phải hái lá, thời điểm nào thì phải dồn thúc hay kìm hãm quá trình “phát tiết” của cây mai, nếu không thì có kỳ công mấy cũng bằng thừa. Rồi ông cụ nhấn mạnh: “Theo nghề chi thì tôi không biết chứ đã theo nghề chăm bẵm cây mai thì cũng là một cách rèn luyện đạo làm người. Cây mai mà, cốt cách quân tử lắm - Tạo được thần thái cho một cây mai mà mình ưng ý không dễ!”.
Tạo thần thái cho cây mai, còn là nỗi mong mỏi và niềm say đắm của những hộ trồng mai ở khu 5 Ái Nghĩa. Đối với họ, một thân mai đẹp phải là sự kết hợp của nhiều yếu tố: kỳ vỹ, cổ xưa, và quan trọng nhất là cốt cách. Anh Lê Me, từ nhỏ đến nay đã sưu tầm được nhiều cây mai cổ và được anh gọi tên chung là “Cổ Mai Hoa Đại Lộc”. Hỏi anh bỏ công sưu tầm được nhiều mai cổ như vậy thì lấy gì “nuôi sống” chúng, anh bảo: “Lo chăm sóc mai cung ứng cho thị trường và mai cổ là khó khăn thật sự. Biết làm sao được, để gắn bó với mai cổ, tôi phải lấy ngắn nuôi dài”. Mỗi năm, anh Lê Me bán ra thị trường được khoảng 100 chậu mai, mỗi chậu như vậy giá trên dưới vài triệu đồng. Số tiền này anh dành để chi trả khu đất mà anh thuê lại ở đồi Ái Nghĩa cũng như chi phí về chăm sóc… Ngoài việc bán mai để chậu, anh Lê Me cũng bán giống mai con. Nói về “nghiệp theo hoa” của mình, anh cho biết: “Vất vả thì nhiều nhưng bù lại cũng sung sướng vì đã tạo nên nhiều dáng mai ưng ý. Cây “Ngọc Cốt Thiên Chân” này là sự hòa quyện giữa khí phách phi thường với cái mềm mại uyển chuyển. Cả bộ đế, thân và lá, cần phải đạt được tiêu chí “Cổ - Kỳ - Mỹ”. Ký thác nhiều tâm sức với cây mai, anh Lê Me nói rằng chỉ cần có một mặt bằng lớn hơn chút nữa là có thể thỏa nguyện với cây mai.
(Theo QUANG THANH, Báo Quảng Nam 11/2009)
No comments:
Post a Comment