Sunday, October 25, 2009

Huyền thoại cổ mai



Ở miền Nam, mỗi khi Tết đến xuân về, khó có loại hoa nào có thể sánh được với hoa mai. Xung quanh việc chơi mai, săn tìm những cây mai quý, đặc biệt là cổ mai có khối chuyện ly kỳ, thú vị.

Những cây giá trị bằng cả gia tài
Với truyền thống chơi mai lâu đời, ngày nay đất Quảng Nam lưu giữ nhiều cây mai cổ thuộc vào hàng quý hiếm. Nổi tiếng nhất trên các diễn đàn cây cảnh... có lẽ là cây mai được đặt tên rất kêu "Hồn Việt - cổ mai hoa" của nghệ nhân Lê Thạnh, người vùng Ái Nghĩa, Đại Lộc. Cây Hồn Việt - cổ mai hoa được biết đến từ Tết năm 2008, khi chủ nhân ngỏ ý muốn bán cây mai cổ này với giá 340 triệu đồng.


Theo bộc bạch của chủ nhân, cây mai này được ông mua từ vùng Điện Bàn, Quảng Nam. Trước đó, do thiếu duyên nên cây mai này ít được biết đến. Tuổi của nó được phỏng đoán khoảng 150 tuổi. Gốc của cây mai này đường kính chỗ lớn nhất lên đến 35cm, chiều cao 1,5m. Khi giới thiệu về cây mai cổ này, chủ nhân của nó không giấu được tự hào: "Cây mai này là độc nhất vô nhị về dáng thế và tuổi tác. Nó thuộc giống thanh mai, có nguồn gốc ở Quảng Nam. Đây là loại mai có chồi xanh khác với hồng diệp mai có chồi màu hồng tím, hoa có màu vàng đậm và có mùi thơm khó tả. Kiểu dáng uyển chuyển nhưng mạnh mẽ, có hình cong chữ S thể hiện được bản chất anh hùng nhưng giàu nhân nghĩa của người Việt Nam. Đúng với tên gọi của nó: Hồn Việt - cổ mai hoa".
Xuôi về Nam, đất An Giang, Vĩnh Long cũng có nhiều cây mai cổ nổi tiếng, chỉ có khác một điều là các cây mai cổ phía nam thường ít được đặt tên riêng nên ít được biết đến, chỉ đến khi có một sự kiện nào đó thì những cây mai này mới bắt đầu lộ diện. Năm 2008, giới chơi mai, kiểng cổ được dịp chiêm ngưỡng một cây mai cổ của đất Vĩnh Long được chào bán với giá 600 triệu đồng. Hội hoa xuân TPHCM đã vinh danh vị trí cao nhất cho 2 cây mai cổ của đất An Giang. Sau khi được "tấn vương" ở hội hoa xuân TPHCM, giới chơi mai đồn đoán, những cây mai này giá trị lên đến tiền tỉ.
"Săn" cổ mai
Nghệ nhân Lê Me - chủ nhân của một bộ sưu tập cổ mai cho rằng, cái khó nhất của nghề săn mai cổ là phải nhìn ra dáng thế của cây mai sau khi gọt giũa ngay từ khi nó còn là viên ngọc thô, nằm lẩn khuất ở góc vườn nào đó. Trường hợp cây mai được đặt tên cổ thụ Thanh Long của ông là một điển hình. Cây mai này có thế trực (thẳng) dáng Thiên Long, bộ đế (phần gốc) Bàng Long. Nếu căn cứ theo kích thước của nó thì có lẽ nó đã có hàng trăm năm tuổi, chu vi gốc lên đến 103cm. Sau khi mang về vườn, qua bàn tay nhào nặn của nghệ nhân Lê Me, từ một viên ngọc thô, cây mai này đã biến thành một tác phẩm nghệ thuật sống được đặt tên là cổ thụ Thanh Long... Mới đây nhất, một lái mai ở TPHCM đã trả 200 triệu đồng nhưng ông Lê Me vẫn chưa bán.
Cũng theo ông Me: "Cây này chỉ cần 2 đến 3 năm nữa, cành nhánh hoàn chỉnh, khi đó giá trị của nó sẽ còn tăng hơn nữa". Chuyện săn cổ mai của ông Lê Me còn ly kỳ hơn đối với cây mai được đặt tên "Ngọc Cốt Thiên Chân" (ảnh trên). Nó về cái tên nghe đượm hơi hướng truyện chưởng, nghệ nhân Lê Me giải thích: "Ngọc Cốt Thiên Chân có nghĩa là cây mai có cốt cách của ngọc còn Thiên Chân là quà của trời. Tôi nghĩ, sở hữu được cây mai này là một kỳ duyên mà không phải ai cũng có được, nó là một món quà trời ban, không phải có tiền là mua được".
Theo thẩm định của giới chơi kiểng thì cây Ngọc Cốt Thiên Chân phải đến 300 năm tuổi, đường kính gốc chỗ lớn nhất lên đến 70cm, chu vi gốc 163cm (một người lớn ôm mới xuể). Toàn thân tạo thành hình một tòa tháp đều đặn từ dưới lên trên. Theo chủ nhân của cây mai thì thời ông nội ông đã có cây mai này, cứ Tết đến ông và cháu ra vặt lá. Sáu năm trước nó được di thực về Tam Dân, Tam Kỳ, Quảng Nam và được vô chậu. Mặc dù vậy, khi ông Me biết về cây mai này thì nó vẫn còn thô lại mắc thêm nhiều khuyết điểm.
Ông Me hồi tưởng: "Để sở hữu cây Ngọc Cốt Thiên Chân" tôi phải đi lại không biết bao nhiêu chuyến từ Ái Nghĩa vào Tam Kỳ cả trăm cây số, ròng rã trong 8 tháng trời, nhưng chủ vẫn không chịu bán. Sau mỗi chuyến đi, tôi lại mất ngủ, cứ nghĩ đến cây mai là tôi không tài nào ngủ được". Giọng ông Me trở nên sôi nổi lại hào hứng "Hai vợ chồng tôi đi lại khoảng 4 lần thì tôi nhận được điện của chủ cây đồng ý bán".
Về giá cả, ông Lê Me nói đây là một chuyện tế nhị không thể tiết lộ nhưng trước đó, theo lời ông Lê Me thì Chủ tịch huyện Núi Thành đã trả giá 16 triệu đồng nhưng không mua được...
Ngọc Huân
(Theo Báo Lao động 01/2009)

No comments:

Post a Comment