Ngoạn thạch hay còn gọi là chơi đá cảnh là một thú chơi nghệ thuật đã có từ lâu đời. Người xưa quan niệm đá có hình dạng sống động, hài hòa, màu sắc đẹp là nhờ sự kết tinh linh khí của trời đất mà thành. Ở TP.HCM, nói đến chơi đá, nhiều người biết đến anh Bùi Đức Tầm - một trong những người chơi đá đã khá lâu và còn góp phần hình thành nên phong trào chơi đá suiseki (đá tự nhiên) một cách bài bản. Nghe anh nói chuyện say mê về đá, người ngoại đạo cũng ngộ ra nhiều điều và thấy đá không chỉ là đá nữa… Tình yêu với đá Mê đá đến mất ăn mất ngủ, với anh Tầm, không có gì sướng bằng được đi săn lùng, được tận tay tìm nhặt những viên đá đẹp để mang về nâng niu, ngắm nghía. Anh nhớ lại, lúc hơn mười tuổi, trong lần đi chơi, anh tình cờ nhặt được trong đống cát một hòn sỏi nhỏ bằng ngón tay có hình dáng khá lạ.
| Vịnh Hạ Long thu nhỏ |
Với trí tưởng tượng của mình, cậu bé Tầm nhìn thấy nó có hình khuôn mặt người. Viên sỏi đó được anh gìn giữ cẩn thận và theo anh rất lâu, tiếc là sau mấy lần anh dời nhà, nó bị thất lạc. Bây giờ nhắc lại, dù đã sở hữu một bộ sưu tập đá công phu, anh vẫn tiếc ngẩn ngơ viên sỏi nhỏ ấy. Đó là kỷ niệm đầu tiên khiến sau này anh bén duyên với đá. Trong nhà anh, đá được dành đặt tại những chỗ trang trọng nhất. Nhưng vì không đủ chỗ, anh phải xếp cả ở gầm cầu thang, bởi nguyên một phòng trên lầu chỉ dành cho đá cũng đã trở nên chật chội. Vì thế, anh có ý định muốn về quê ở Long An cất một ngôi nhà theo kiểu xưa để làm chỗ trưng bày đá, rủ rê bạn bè đến thưởng ngoạn, bình về đá. Tỉ mẩn lau chùi, xịt nước lên từng viên đá, anh nói: “Chơi đá cảnh không cầu kỳ và tốn nhiều công chăm chút như với hoa, bonsai, chim chóc…, nhưng vẫn phải bảo dưỡng để có viên đá đẹp. Tôi cũng đã từng chơi vài thứ khác như phong lan, cây khô…, nhưng chỉ khi đến với đá, tôi mới thấy nó khơi đúng niềm đam mê của mình. Cái sướng của người chơi đá chính là việc sở hữu được những viên đá độc bản. Bởi đã chơi đá suiseki phải tôn trọng tuyệt đối tính tự nhiên của đá, hoàn toàn không có sự can thiệp của bàn tay con người vào việc tạo hình dáng, màu sắc cho đá”.
| Anh Bùi Đức Tầm và công việc chăm sóc đá, phun nước, lau chùi cho đá bóng, đẹp |
Những tạo tác của thiên nhiên quả là món quà vô giá, có khi phải mất hàng mấy chục năm, thậm chí qua sự biến thiên hàng trăm năm mới tạo ra được một viên đá đẹp. “Dưỡng thạch như dưỡng tâm”, muốn làm liền những vết nứt, rạn trên đá, người chơi phải phơi sương, ngâm bùn, phải phun nước cho đá trơn mịn. Nếu chưa được anh Tầm giới thiệu, chúng tôi khó tin được những khối đá có hình dạng giống như khuôn mặt người khi thì cười tươi, khi lại trầm buồn, hình tượng Phật, hình cảnh vật sông núi, con vật, trái cây… hay những hoa văn trên đá có hình như một bức tranh thủy mặc hoàn toàn do thiên nhiên tạo ra. Vật vô ngôn nhưng hữu tình Với người chơi đá, ai cũng biết đá là vật vô ngôn nhưng lại rất hữu tình. Tình yêu đá tùy vào khả năng cảm nhận của từng người. Ai “ngộ” được đá thì nhìn đá không là một vật vô tri nữa, cũng không thấy đá lúc nào cũng cứng răën mà có khi rất mềm mại. Đá có thể nói chuyện với người. Nếu tinh tế, chỉ cần thay đổi hướng nắng hoặc không gian trưng bày là thay đổi vẻ đẹp của đá.
| Đá có hình dáng như trái tim |
Trong bộ sưu tập của anh Tầm, đá có đủ hình dạng, màu sắc mà mỗi viên là một câu chuyện. “Khó có thể tưởng tượng được sự kỳ diệu của thiên nhiên khi tạo ra dáng đá. Hầu như trong trời đất có cảnh vật gì thì đá đều có hình dáng như thế. Chỉ sợ mình không có duyên gặp và giữ được những viên đá đẹp mà thôi” - anh nói và hướng dẫn chúng tôi xem. Có viên đá nhìn phía trước giống như đầu con chim cú, nhưng nếu xoay ra phía sau lại là một con lân! Phiến đá khác chỉ bằng bàn tay, khi để đứng có dáng người đang đứng, để nằm ngang lại như hình một dãy núi và nếu lật ngược lại thì ra một chiếc thuyền. Rồi một bộ ba hòn đá kết có hình các ông Phước - Lộc - Thọ. Lại có những viên đá “thấu thạch” tạo thành một tiểu cảnh ao hồ, có cầu bắc ngang, có hang động, chiếc cổng trời.
| Khối đá nhìn phía sau có hình con lân |
Rất nhiều phiến đá có hình dạng núi, cả bộ linga và yoni. Những phiến đá phẳng có hình hoa văn đồ thị thì như một bức tranh thiếu nữ, ông già câu cá... cũng chẳng thiếu. Anh rất thích phiến đá đen nhám ở giữa nổi gờ mà anh gọi là “dãy Trường Sơn”, phiến đá có hoa văn như tranh Picasso, tảng đá như vịnh Hạ Long, hình núi bậc thang… Nhiều đêm, bên ấm trà, anh ngồi săm soi từng viên đá, có khi phải nhắm mắt lại, đặt tay chạm nhẹ vào đá để cảm nhận từng chất đá.
| Hoa văn như tác phẩm của Picasso |
Anh phân trần: “Nhiều người hay nói rằng “thổi hồn cho đá”, nhưng tôi không đồng ý với ý kiến đó vì thấy không đúng. Bản thân đá đã có hồn, người chơi đá chỉ phát hiện ra vẻ đẹp cũng như hồn của đá mà thôi”. Tuy do thiên nhiên tạo ra nhưng đã là đá suiseki thì phải thỏa mãn các tiêu chí: Thứ nhất là thạch ý, tức hình dạng đá phải có ý nghĩa, đường nét phải rõ ràng. Thứ hai là thạch chất, tức là đá phải đúng độ răën. Thứ ba là thạch sắc, đá phải có màu sắc đậm đà. Các loại đá được chuộng có các loại sáp vàng, huyền vũ, vỏ lê, vỏ dưa, hóa thạch, trầm tích, mai rùa, vân thạch (đá có vân)…
| Hoa văn đồ thị như những bức tranh |
Để có được những viên đá có một không hai, người chơi đá đều tin rằng không phải do công giỏi tìm kiếm mà do có “nhân duyên”. Có khi bỏ thời gian làm một chuyến đi, cất công tìm mà không được viên đá nào, còn những lần rất ngẫu nhiên lại có được những tác phẩm ưng ý. Cùng một viên đá, có người thấy nhưng cho là tầm thường, bỏ qua, người khác cảm được vẻ đẹp của nó mới giữ lấy. Có khi tìm được đá nhưng người ta chưa nhìn ra ngay cái “thần”, phải chiêm ngắm cả mấy tháng trời mới ngộ ra được vẻ đẹp ẩn giấu.
| Như dáng một người ngồi cúi đầu |
Trong giới chơi đá, có những câu chuyện về “hoàn thạch” thường được truyền tai nhau, không biết thực hư thế nào nhưng có luật bất thành văn là không bao giờ lấy đá ở các di tích lịch sử, nơi tôn nghiêm, danh lam thắng cảnh… chỉ lấy đá tồn tại tự nhiên như quà thiên nhiên ban tặng chứ không làm tổn hại đến thiên nhiên. Đó cũng là một thứ đạo của người chơi đá. Để chuyên nghiệp hơn một thú chơi Bắt đầu chơi đá từ sau năm 1975, nhưng thời gian mà anh tìm được nhiều đá nhất là khoảng những năm 1990-1995. Do làm việc tại Hãng phim Giải Phóng, thường xuyên theo đoàn làm phim đi quay ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung, anh hay tranh thủ những chuyến đi ấy để tìm đá. Nghe vùng nào có đá là anh tìm đến. Có khi ở nhà mà anh “bỗng dưng biến mất”, đó là anh lang thang đi Nha Trang, Đà Lạt một mình bằng xe máy cũng chỉ để tìm đá.
| Thấu thạch |
Lúc đầu anh chơi đá theo cảm tính, thích là giữ lấy chứ không theo tiêu chí nào, vì không có tài liệu nào hướng dẫn cho người chơi đá. Dần dà, anh tự rút kinh nghiệm và được giới thiệu với Hội Chơi đá cảnh Đài Loan, được tiếp xúc với những người có cách chơi đá khá bài bản. Đến khi phong trào chơi đá cảnh ở TP.HCM được hình thành từ những nhóm chơi nhỏ lẻ, anh tham gia và đoạt được một số giải thưởng ở Hội hoa Xuân Tao Đàn. Sau đó, anh mày mò tìm hiểu và chủ động trao đổi hiểu biết về đá cảnh với những ai cùng có niềm say mê đá. Năm 2005, Bùi Đức Tầm được kết nạp vào Hội Đá cảnh châu Âu. Hiện anh là trưởng nhóm chơi đá thuộc Câu lạc bộ Bonsai của Trường đại học Khoa học Tự nhiên. Hình như cái tên cũng chính là số phận của anh, luôn lấy việc tìm kiếm đá làm thú vui. Theo tintuc.timnhanh.com
Thích Ca Thành Đạo Tác phẩm của đại đức Thích Nhuận Tâm
|
No comments:
Post a Comment