Wednesday, June 15, 2011

Hành hương Yên Tử, chiêm bái … Mai vàng

Xưa nay, loài hoa đặc trưng cho ngày Tết theo vùng miền vẫn luôn được biết đến với Mai vàng phương Nam và Đào thắm xứ Bắc. Nhưng giờ đây, miền Nam nắng ấm không còn “độc quyền” cây Mai nữa! Trên chốn non thiêng Yên Tử lạnh giá, người ta đã phát hiện ra một giống Mai quý mà tương truyền có từ thời vua Trần Nhân Tông, cách đây gần 800 năm.



Mai Vàng chốn  Non thiêng

Tại chốn non thiêng Yên Tử, cây Mai vàng được phát hiện như một khám phá đầy bí ẩn: Mai vàng nở ngay trên độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Năm 2007, một số người dân địa phương và du khách khi đến vãn cảnh chùa đã tình cờ phát hiện ra giống Mai quý này. Để phân biệt với Mai vàng ở miền Nam, người ta đã gọi nó là “Mai vàng Yên Tử”.



Theo các nhà khoa học, Mai vàng Yên Tử và các giống Mai đang được trồng ở khu vực phíaNam đều có chung nguồn gốc phân loại thực vật. Chúng đều thuộc loài Ochna integerrima(Lour. Merr.) Vậy Mai vàng Yên Tử có trước hay Mai vàng miền Nam có trước? Hiện vẫn chưa có một nghiên cứu nào khẳng định được mốc thời gian chính xác cho các giống Mai này. Có giả thuyết cho rằng, Mai vàng đã di thực từ phía Nam Việt Nam lên vùng núi Yên Tử và sinh sống đến ngày nay. Một giả thiết khác lại cho rằng, chúng di thực từ vùng núi Tây Nam(Trung Quốc) sang vùng núi Yên Tử (Việt Nam) sau đó đó mới di thực về phía Nam ViệtNam và các nước Đông Dương khác.


Sử liệu ghi nhận, vào khoảng những năm 1285- 1288, sau khi dẹp xong giặc phương Bắc, vua Trần Nhân Tông đã truyền ngôi cho con trai và lên tu hành trên núi Yên Tử, nơi sau này ông đã sáng lập ra Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử. Tương truyền rằng, vào thời gian đó Phật hoàng Trần Nhân Tông đã phát động các tín đồ phật tử trồng cây Mai vàng. Sau nhiều năm được bàn tay các phật tử chăm sóc, cùng với sự ưu ái của thiên nhiên, những cây Mai nhỏ bé đã biến thành rừng Mai rộng lớn. Theo mốc thời gian đó, tính đến nay rừng Mai này đã gần 800 năm tuổi. Phật tử và du khách đến đây đã kính cẩn đặt tên cho khu rừng này là “Đại lão Mai vàng Yên Tử”.


Có lẽ sự khác biệt lớn nhất mà người chơi mai vàng Yên Tử quan tâm là khả năng sinh sống và nở hoa trong điều kiện khí hậu có nhiệt độ lạnh của miền Bắc. Chính điều này đã tạo nên những đặc điểm về hình thái, hương thơm và thời điểm nở hoa khác hẳn so với các giống hoa Mai vàng ở phương Nam.

Về mặt hình thái, cây Mai vàng Yên Tử là loại mai có 5 cánh, đọt (lộc) màu xanh. Cánh hoa có màu vàng tươi rất sáng và có mùi thơm nhẹ đặc trưng rất dễ chịu. Trên một cành có rất nhiều hoa. Kích thước hoa không lớn, đường kính khoảng 2- 3cm. Vào mùa hoa nở hầu như chỉ thấy các bông hoa Mai vàng rực rỡ mà không thấy lá. Lá to hơi tròn, có màu xanh đậm, mép lá trơn và không có răng cưa. Mai vàng Yên Tử trong tự nhiên lớn rất chậm. Cây có thể cao đến 15 mét, đường kính thân 60-70 cm và có rất nhiều cành. Cây thường mọc trên các vách đá, gần các khe suối trong rừng.
  
Hành hương Yên Tử, chiêm bái … Mai vàng
Theo nghiên cứu, cây hoa Mai vàng Yên Tử được phân bố chủ yếu tại đãy núi Yên Tử thuộc huyện Đông Triều và thị xã Uông Bí của tỉnh Quảng Ninh. Tại đây, Mai vàng Yên Tử lại được chia thành các cụm, các vạt rừng ở những địa điểm khác nhau. Tại mỗi địa điểm có đến hàng chục, hàng trăm cây có độ tuổi từ vài chục đến vài trăm năm. Nếu đi sâu vào rừng, ta có thể được chiêm ngưỡng những cây có đường kính một người ôm, ước chừng khoảng 600 đến 700 năm tuổi.

Một điều đặc biệt là hầu hết các địa điểm phát hiện có Mai vàng Yên Tử sinh sống đều gắn liền với các di tích hay các ngôi chùa mà vua Trần Nhân Tông từng tu hành. Điều này có vẻ như liên quan mật thiết với sự kiện vua Trần Nhân Tông phát động các phật tử trồng Mai vàng. Tại khu vực làng Tây Sơn ở xã Bình Khê, huyện Đông Triều, Mai vàng được phát hiện quanh khu vực chùa Ngọa Vân, ngôi chùa được cho là nơi vua Trần Nhân Tông đến tu hành trước khi viên tịch.

Vào dịp Lễ hội Yên Tử, các phật tử và du khách thập phương náo nức về dự hội và ngắm hoa Mai nở. Khoảng trung tuần tháng 2 (âm lịch) hàng năm, tức là giữa mùa lễ hội, cả khu rừng Mai vàng Yên Tử đồng loạt nở hoa. Màu sắc rực rỡ của hoa làm sáng cả một khu rừng, hương thơm rất dễ chịu. Hương thơm này được những cơn gió núi đẩy từ trên cao đưa xuống. Khách du Xuân nếu ai may mắn được tận hưởng hương thơm này, hãy nhắm mắt lại thư giãn và thả tâm hồn mình bay bổng theo những cánh gió để chiêm nghiệm về lẽ huyền vi của đất trời đang thể nhập vào bạn.

Nếu bạn là người trân quý vẻ đẹp tự nhiên, hãy một lần chiêm bái Mai vàng khi hành hương Yên Tử! Bạn sẽ không chỉ được tĩnh tâm nơi đất Phật mà còn được giao kết với một vẻ đẹp vĩnh hằng.

Thông tin thêm:

- Vùng núi Yên Tử thuộc thị xã Uông Bí và huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, cách Hà Nội khoảng 120km. Hệ thống chùa Yên Tử được coi là nơi phát tích của Thiền phái Trúc Lâm, do vua Trần Nhân Tông sáng lập.

- Lễ hội Yên Tử diễn ra từ tháng 1- tháng 3 (Âm Lịch) hàng năm.

- Năm 2008 và 2009, Viện nghiên cứu Rau quả đã nhân giống thành công gần 5.000 cây mai vàng Yên Tử. Các cây mai này đang được người dân địa phương và Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử tiếp nhận để điều khiển nở hoa vào dịp Tết này.

- Nếu muốn tìm hiểu thêm về Mai vàng Yên Tử, bạn có thể liên hệ:
Viện nghiên cứu Rau quả Hà Nội
Thị trấn Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội
Tel: 04. 38276254/ 38276275.

 TS.Đặng Văn Đông – KS.Phùng Tiến Dũng.


________________________________________________________

Tham khảo thêm phim tài liệu về Mai vàng Yên Tử tại địa chỉ:


http://www1.vtc.com.vn/view/8/63597/phim_tai_lieu__mai_vang_yen_tu.aspx#/

No comments:

Post a Comment