PGS-TS Trịnh Dánh - nguyên Giám đốc Bảo tàng Địa chất Việt Nam, một chuyên gia đầu ngành, người dành tâm huyết cả đời mình cho nghiên cứu hoá thạch và dự án thành lập các khu bảo tồn, các công trình địa chất của nước ta - đã hơn một lần vào tận xứ Thanh mục sở thị cái “cây” đó. Vì rất thận trọng, ông Dánh chỉ có thể đưa ra những phỏng đoán ban đầu: Cái “cây” này là một tác phẩm của tự nhiên (không phải do con người làm ra), nó có thể có niên đại đến hàng triệu năm, ông đã đi nhiều, nghiên cứu nhiều, cũng chưa bao giờ gặp một cái cây hoá đá tương tự.
Đi xem… tượng tắm!
Ông Hoàng Văn Ngọc năm nay 56 tuổi, nhà ở huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá. Hai vợ chồng là cán bộ lâm nghiệp huyện cả một đời. Quê ông vốn vẫn bạt ngàn rừng già và đá núi. Mẹ vợ ông đẻ được 16 người con. Sau gần 30 năm làm rể, ông Ngọc vẫn đùa là: Chưa thể nào nhớ hết tên những người anh chị em ruột thịt của vợ. Giữa khốn khó và hoang vu của thượng du xứ Thanh, người đàn ông nhỏ thó, tinh ranh đó cứ quay sang mê cây cảnh và đá cảnh. Một niềm đam mê hồn nhiên, chứ chẳng phải bán buôn gì.
PGS-TS Trịnh Dánh đến huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá nghiên cứu "cây đá" được coi là vô cùng kỳ lạ (người đứng ở bìa phải ảnh là ông Ngọc - chủ sở hữu "cây cảnh triệu năm tuổi"). |
Đến một ngày có tin nóng từ phường săn đá cảnh báo về. Ở xã Hiền Kiệt, huyện Quan Hoá, cách nhà ông Ngọc những 70 cây số, bên bờ sông Mã, giáp tận xứ sở của người Mông Mường Lát, có câu chuyện kỳ lạ nhất mà đồng bào Thái nơi này từng được nghe. Bên bờ sông, một pho tượng đá linh thiêng, cứ ban đêm thì tượng rơi xuống sông nằm ngâm nước, sắc đá đen kịt lại. Mặt trời lên, ban ngày, tượng lại đứng dậy, trang nghiêm, trắng lốp, nhìn xuống dòng sông...
Vốn tính hiếu kỳ, ông Ngọc bèn cơm nắm muối vừng, thêm vài khẩu bánh mì, tìm lên khúc sông đó rình rập. Ngủ tại hang núi chờ đợi... giờ phút linh thiêng. Bà con hỏi, ông nói mình là thầy phù thủy lên để “xin lệnh” đón cụ tượng về thờ phụng ở nhà. Càng chờ càng thấy mất hút. Ông Ngọc tiếc nuối: “Bà con người Thái ở Quan Hoá thật thà lắm. Họ nói cái gì là chính xác, chỉ có điều, tôi chưa có duyên nên tôi chưa gặp được ngài (tượng)”.
Một cái lá đang hóa đá dính ở ngang thân cây, gõ vào kêu và cứng như đá, nhưng giữa lá vẫn có có vết vỡ, ở đó khoáng chất và lá cây còn mềm và vụn như cây rừng đang ải mục... |
Lại nói chuyện đi vào hang bên bờ sông Mã phục kích tượng. Khi đã ăn hết cơm nắm, bánh mì cứng cũng chẳng còn cái nào, ông Ngọc chán nản toan bỏ về. Chợt nghe người dẫn đường kể: Cái hang ông đang đứng, mùa nước cạn thì hở cửa hang ra, chứ mùa lũ, nước gào réo, cửa hang nằm dưới bụng con sông hung dữ. “Sông Mã gầm lên khúc độc hành” là chỗ này đây. Ông quyết định cầm đèn pin, men theo hang tối vào cho nó giống du sơn du thủy.
Ngay cả khi hóa đá, cây cũng vẫn "đậu" quả như thường. Căn cứ vào các quan sát được từ "cành lá hoa quả bằng đá" đó là bước đầu dự đoán được họ và loài của thứ cây này. |
“Điệp viên 007” bất đắc dĩ
Chợt ánh đèn pin của ông Ngọc sững lại trước một cái gì nghênh ngang đứng án ngữ lối đi. Trời, một con yêu tinh bằng đá? Không phải, một cái cây phủ đầy rêu mốc? Ông Ngọc và người dẫn đường sờ vào, gõ thử, thì tiếng “lá cây” kêu coong coong như chuông khánh. Cái cây bằng đá ư? Ông soi kỹ, nó cao gần 3m, cành, tán, rễ, lá, hoa, quả, cái gì cũng bằng đá. Nhiều cái lá sắc như được mài rũa, từ hình dáng đến gân lá, thớ cây đều không lẫn đi đâu được. Có cái lá đang ở giai đoạn hoá “đá”, nó còn chất xơ xám ngoét, sờ vào còn vụn bột như chiếc lá rừng ải mục. Lạ quá, nửa đời người yêu kính thiên nhiên, từng vào hàng ngàn cái động trên xứ sở này, ông Ngọc từng thấy một cái cây bằng đá bị “đóng băng” trong trạng thái tươi tốt (lá chưa rụng, hoa đang nở, quả đang đậu) như thế này.
Ông đã giấu kín phát hiện này, vượt sông Mã, phóng hơn 70km về quê, gọi hai đứa con của mình ra, thì thầm, cầm cưa đá lên đường. Họ lại xin thần linh, rằng con xin rước “ngài cây đá” này về nhà trưng bày. Cây đá dài đúng 2,7m, từ rễ lên đến chóp lá trên cùng. Chỉ tiếc, một cô con gái, một cậu con trai, lại thêm ông bố ngoại ngũ tuần hom hem, “bộ tam” cưa đến ngang chừng thì cây đá kỳ lạ bị gãy. "Cụ" gãy làm ba mảnh, phần đầu cao mấy chục xăngtimét còn khá nguyên vẹn, với cành lá, rễ bám ven thân, hoa quả rõ ràng. Mấy khúc sau thì là cái thân cây (giống cái cây hơn cả cái cây) bằng đá, ông Ngọc quyết định ghép, dựng “các cụ” vào một phom chậu cảnh làm... hòn non bộ.
“Cây cảnh” chưa từng thấy kia thì được giấu kín trong nhà. Bấy giờ, dù chưa có nhà khoa học nào đến nghiên cứu, trong đầu bố con ông Ngọc đã nghĩ đến một báu vật vô giá, một tài sản hàng triệu đôla (như ông tin và phát giá). Nhưng rồi tiếng lành đồn xa, số người rỉ tai nhau kéo đến nhà ông cũng nghìn nghịt, nườm nượp. Có khi nửa đêm, có khi tờ mờ sáng ông Ngọc vẫn phải dậy pha nước, mời thuốc đám người lạ.
Trong căn nhà lợp lá cọ ở Bá Thước, cụ đá rước từ hang núi Hiền Kiệt nhiều khi phải được ngụy trang kín, đề phòng đạo chích. Ông Ngọc chẳng dám đi đâu xa, bỏ cả cỗ bàn xóm mạc để ở nhà, uống trà, hút thuốc, vừa thưởng thức vẻ đẹp của cây đá, vừa là để nai lưng ra bảo vệ. Nạn tiếp khách tham quan khiến ông Ngọc và vợ con kiệt sức.
Họ bèn đem giấu cây đá đi, ai hỏi bảo là đã bán rồi. Người mua, sau cả năm ông Ngọc kêu “bán rồi” vẫn đeo bám, dường như họ biết là ông Ngọc nói thác như vậy thôi. Có khi ông Ngọc và những người thân tín phải mang cây đá ra “chạy loạn” người Hà Nội, chứ cái nhà lợp tranh chắc gì đã an toàn. Có khi phải di chuyển, đóng lồng kính để bảo vệ, có khi mạnh dạn đem ra trưng bày như nhân dịp nghìn năm Thăng Long - Hà Nội tháng 10.2010 vừa rồi. Trưng bày được một ngày rưỡi, thấy nhiều người xem quá, nhiều người đòi mua quá, ông Ngọc lại thận trọng khênh cây về.
Đọc được thông tin về hoá thạch và những vấn đề đặt ra này, ông Ngọc đã cho người tâm phúc dè dặt liên lạc với PV Báo Lao Động với mong muốn hỏi thêm tư liệu. Sau mấy lần “ném đá dò đường”, một buổi sáng, ông Ngọc đã quyết định gặp tôi, ông đem theo cả người bà con và cô con gái đang là giáo viên rất sắc sảo của mình... đi hộ tống, khi cả nhóm đã cảm thấy an toàn thì ông mới cho tôi đi xem cây cảnh được khoe là “triệu năm tuổi”.
Câu chuyện chưa từng thấy
PGS-TS Trịnh Dánh cũng được ông Ngọc biết đến, khi xem kênh VTV2 của Truyền hình Việt Nam, thấy “cụ” đi suốt... 6 tập phim để tìm hiểu, tôn vinh vẻ đẹp của các di sản địa chất Việt Nam, đặc biệt là các vùng hoá thạch như Cúc Phương, Tây Nguyên, Lạng Sơn; vì tôi (người viết bài) có tham gia làm bộ phim trên, nên ông “điệp viên cây cảnh” mới thấy đủ niềm tin mời tôi và ông Dánh cùng đi thăm cây. Đi từ Hà Nội, vượt mấy trăm cây số vào Bá Thước, cái cây kỳ lạ được khênh ra từ trong buồng tối. PGS Trịnh Dánh ngỡ ngàng.
Khi những bức ảnh về “cây hoá đá” cũng được tôi chuyển qua email cho PGS-TS Nguyễn Lân Cường - nhà khoa học với rất nhiều “chức danh”, trong đó có “Phó Chủ tịch Hội Cổ sinh địa tầng Việt Nam"; ông Cường đã chia sẻ hình ảnh với nhiều nhà khoa học có quan tâm, rồi nhận định: Tác phẩm này là của trời đất sinh ra, tuy nhiên, ông thận trọng hơn về niên đại của nó. “Tuổi của nó có thể trẻ hơn” nhiều, tùy theo những điều kiện hình thành trong các bối cảnh khác nhau.
TS Vũ Cao Minh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Địa chất - sau khi tìm hiểu bước đầu về cái cây, thì khẳng định: Cơ chế để đá vôi hòa tan trong hang động (thậm chí cả các dòng suối chảy từ hang động ra) phủ lên cái lá, cái cây, khúc xương động vật rồi biến chúng thành dạng đá, thì tương đối phổ biến, có thể lý giải được. Tuy nhiên, một cái cây bị hoá đá trọn vẹn như ở nhà ông Ngọc thì ông Minh và các đồng nghiệp, bạn bè nghiên cứu về cổ sinh học của ông cũng khẳng định là chưa từng gặp bao giờ.
Chúng ta từng có các dạng “bảo tồn thực vật” hoá đá như các bào tử phấn hoa nằm trong đá, các hoá thạch hạt, quả, các cây gỗ lớn, các cánh rừng nguyên sinh từ nhiều triệu năm trước bị vùi lấp rồi dần dà chất thực vật vốn có của thực vật bị silic hoá hay cacbonnat hoá. Tóm lại là vì bị vùi dưới lòng đất, trong lòng đá, trong dung nham núi lửa, các loài thực vật kia đã “hoá đá”. Thường nó chỉ là những khúc gỗ, cây gỗ với cành nhánh, hoặc cùng lắm là một tàu lá cọ khá nguyên vẹn như ở Mỹ hoặc Trung Quốc đã công bố. Nếu đúng như ông Ngọc mô tả về quá trình “cưa cây” khỏi hang tối như trên, thì việc có cả một cái cây trọn vẹn hoá đá đó, thật sự là chưa từng thấy.
Sau khi nghiên cứu kỹ cái cây kể trên, một chuyên gia địa chất khẳng định với chúng tôi: “Thực chất thứ “đá” bao bên ngoài rồi biến cái cây kia thành “cây đá” nguyên vẹn như ngày nay, nó không phải là đá vôi. Nó là một thứ bùn vôi (người Trung Quốc gọi là tuyền hoa). Sẽ cần phải nghiên cứu thêm ở thực địa cái hang đó, xem có cây nào như thế này nữa không, vị trí hang cho thấy thêm điều gì không. Tạm thời có thể lý giải, cái cây này vốn mọc trong hang khi hang có ánh sáng, hoặc mọc trên đỉnh núi mà trần hang bỗng bị thủng, cây rơi xuống lòng hang.
Thế rồi, cây đó nó cứ bị bùn vôi nhỏ xuống hàng triệu năm ròng, thứ “bùn đá” này cứ bao phủ dần, xâm chiếm dần các chất của loài thực vật, để biến nó thành dạng “đá” như ngày nay. Có thể hình dung, bùn vôi “thạch nhũ” cứ dần dần khoác từng lớp áo “đá” cho cái cây được đất trời tình cờ tiến hành “đá hoá” từ khi đang sống kia”.
Trước sau, những nhà khoa học, địa chất mà tôi và ông Ngọc rụt rè chia sẻ tài liệu về cái cây đá kia, ai cũng sững sờ: Một cái cây hoá đá toàn vẹn, đẹp chưa từng thấy. Với tất cả sự thận trọng của mình, người viết chỉ xin đưa ra những “dữ liệu” thật thà nhất, mọi phán xét xin được nhường cho các chuyên gia.
Theo Đỗ Doãn Hoàng - LĐ
(Từ VTC.vn)
No comments:
Post a Comment