Wednesday, October 24, 2012

Cây linh sam lá bé - Từ "Văn nhân" đến "Tri kỷ"...



Đời người thật ngắn ngủi. Với người nghệ sỹ, vốn là những người sống bằng cảm xúc thật, qua sự thể hiện nghệ thuật thì lại càng ngắn ngủi hơn. Và trong cái sự “ngắn ngủi” đó, quý giá biết bao khi có người hiểu được mình.

Cách đây hơn 100 năm Nguyễn Công Trứ từng viết những câu thơ để đời về cái sự “chơi” và “tri kỷ” của nhân sinh:
“Chơi thì chơi, chẳng chơi thì chớ
Đã chơi cho lệch đất long trời
Tiếng thị phi gát bỏ ngoài ta
Trên cõi thế, mấy người Tri kỷ”.

Từ những suy nghĩ trên đây, bằng vài chiêu trong việc sử dụng các phương tiện đơn giản, sau gần nữa năm, cây linh sam be bé, vốn là thế “văn nhân” mong manh, thẳng đứng, tôi đã chuyển đổi chủ đề thể hiện cho cây. Đó chính là con đường đi từ “Văn nhân” đến “Tri kỷ” của cây linh sam lá bé này.

Năm 2010, sau bước cải tạo đầu tiên


Làm tàn, uốn dăm định hình cho thế văn nhân uyển chuyển

Bước chuyển mình vĩ đại: Cột, bọc, chống, kéo, siết...

Diện mạo mới: Tri kỷ



Tuesday, October 9, 2012

Tác phẩm đá cảnh: Nghiêng mực nho…




Thư pháp và đá cảnh là hai bộ môn nghệ thuật khác nhau nhưng từ lâu chúng đã có một mối quan hệ hữu duyên rất đậm đà. (Mối quan hệ đó xin được dành cho một bài viết khác chuyên sâu hơn).
Hiện nay, nền nghệ thuật dân gian Việt ghi nhận sự xuất hiện của nhiều nghệ nhân tài hoa không chỉ bằng đường bút điêu luyện trong thư pháp mà còn ở sự cảm nhận tinh tế trong đá cảnh nghệ thuật: Nhà thư pháp Hồ Công Khanh (Đà Nẵng), Trần Thanh Hiền (Vũng tàu)…

Và cũng rất hữu duyên, trong lần ra thăm Côn Đảo (07/2012) vừa qua, rất tình cờ tôi “nhặt” được viên đá này. Ban đầu, chỉ thấy nó lành lặn, hay hay, tôi mang về chỉ với mục đích làm kỷ niệm cho chuyến đi. Hôm rồi lấy ra xem lại, tôi bang hoàng khi phát hiện ra sự phù hợp lạ lùng của viên đá cho cái nghiêng mực. Ngay lập tức, tôi tạm đưa nó lên một chiếc “bệ”, rồi ngắm nhìn. Càng ngắm kỹ, càng thú vị với ý tưởng về một tác phẩm đá cảnh hình cái nghiêng mực dùng cho thư pháp…

Viên đá thuộc chất liệu đá cuội bãi biễn có độ cứng khá cao. Màu đen nhạt, hình tam giác, cong lên như một chiếc lá. Điều đặc biệt là ở phần lõm bên trong vừa chỗ để đựng ít mực nho thầy đồ ngày xưa viết chữ thư pháp. Kích thước (khoảng 3x5x15 cm) ở vào mức độ vừa phải, nếu không muốn nói là tối ưu cho một cái Nghiêng mực.