Friday, October 28, 2011

Tình bạn chú chó mù gây xúc động cộng đồng mạng

 Câu chuyện cảm động giữa Lily, nàng chó 6 tuổi bị mù và người bạn đường Madison luôn theo sát bên để chăm sóc cho bạn mình gây xúc động cho nhiều người trên Facebook.


Lily (bên trái) dạo chơi cùng người bạn Madison - Ảnh: Themetapicture


Lily thuộc giống chó Dogana Đan Mạch 6 tuổi, bị mất thị lực do một căn bệnh hiếm gặp từ khi mới 18 tháng tuổi. Cuộc sống của chú chó đã hoàn toàn tuyệt vọng khi các bác sĩ buộc phải loại bỏ đôi mắt để cứu sống Lily. Và cho đến khi gặp Madison, một chú chó cũng thuộc giống Dogana 7 tuổi, Lily đã không còn cô độc. Madison đã trở thành người dẫn đường cho Lily, cả hai đã là đôi bạn không hề tách rời trong suốt 5 năm qua.
Chủ của hai chú chó này đã không thể tiếp tục nuôi được cả hai nên hiện Lily và Madison đang cùng "tị nạn" ở một trung tâm tại Anh, chuyên giúp đỡ cho các chú chó "vô gia cư" tìm kiếm những chủ nhân mới.

Khi đi dạo bên ngoài, Lily luôn theo sát Madison để biết rõ hướng phải đi còn Madison rất tận tình hướng dẫn Lily theo cách của mình, Louise Campbell, giám đốc trung tâm cho biết. 

Việc tìm kiếm chủ nhân mới cho Lily và Madison ban đầu rất khó khăn do cả hai đều là giống chó lớn và chúng không thể tách rời nhau nên cần không gian rộng để có thể nuôi dưỡng được. 
Sau khi thông tin về câu chuyện tình bạn diệu kỳ của hai cô chó Lily và Madison xuất hiện trên mạng xã hội Facebook, đã có hơn 200 người đăng ký nhận nuôi và rất nhiều người đã bày tỏ tình cảm về câu chuyện cảm động của đôi bạn này.
THANH TRỰC
(tuoitre.vn)

Wednesday, October 26, 2011

Mã não xanh – Hòn ngọc đẹp!


Viên đá này do Mai Thanh Thiện, nghệ nhân đá nghệ thuật Ngũ Hành Sơn chế tác, được “di chuyển” về để góp thêm vào bộ sưu tập đá cảnh của Nhà vườn Cổ Mai Hoa. Viên đá hình trứng, là loại đá mã não xanh, sáng, bóng. Có chiều cao khoảng 30 cm, đường kính ngang, chỗ lớn nhất khoảng 15 cm.
Xin được giới thiệu với các bạn.


     

Monday, October 24, 2011

Bình luận tác phẩm: “tiểu phẩm rừng”


Theo tôi tiểu phẩm này chỉ mới manh nha của rừng và gần với… vườn hơn chứ chưa thể gọi là rừng được. Bởi lẽ, thứ nhất là vấn đề về lá. Mỗi cây cổ thụ trong khu “vườn” này, đếm thật kỹ thì thấy chỉ có chừng… chục chiếc lá. Mà chiếc lá nào cũng to tổ bố, thậm chí to hơn cả… gốc cây. Thứ hai là cái sự “đều đặn” của các phần tử cây. Chúng có vẻ na ná nhau về kích thước và cả dáng dấp nữa, gây nên một cảm giác nhàm chán oan uổng…


Tuy nhiên, vẫn có thể khẳng định đây là một tác phẩm đầy hứa hẹn và hoàn toàn có thể trở thành một 
tác phẩm đẹp
 nếu như chủ nhân của nó có định hướng tốt và kiên nhẫn giải quyết các khúc mắc đã được đặt ra.

Để cho lá nhỏ lại, có 2 cách. Nếu muốn nhanh, bạn hãy tỉ mẫn dùng kéo… gọt từng chiếc lá cho nó nhỏ lại theo ý muốn. Còn nếu có thời gian và kiên nhẫn thì bạn nên dùng kỹ thuật cắt lá nhiều lần, lá cây sẽ dần dần bé lại một cách tự nhiên. Tuy nhiên, đây là loại sộp lá lớn, việc thu nhỏ theo kỹ thuật này cũng chỉ ở mức độ nhất định mà thôi.

Để giải quyết cái sự đều đặn của cây vườn và biến chúng thành cây rừng, bạn nên tạo hình cho mỗi phần tử cổ thụ của khu vườn kỹ lưỡng hơn, bằng cách uốn, siết, kéo, cắt…

Có điều này, việc đồng thời cắt lá và uốn siết cây một cách quá tàn bạo thì bạn phải hết sức cẩn thận và kiên trì. Đừng chủ quan và nóng vội, các “cây” nhỏ có thể khô tong đi. Và khi đó giá trị nghệ thuật của “tiểu phẩm rừng”
ngay lập tức sẽ biến thái thành ý nghĩa xã hội của một hình ảnh về... tội ác chất độc da cam.



Thân ái chào bạn!


Lethanh - Dailoc


Friday, October 21, 2011

Kỳ thú vẻ đẹp hoa tre


Gần gũi với người Việt nhưng tre lại tồn tại một bí ẩn lớn, mà rất ít người có cơ hội được khám phá - đó là những bông hoa tre.

Hình ảnh những lũy tre vút cao đã trở thành biểu tượng của làng quê Việt Nam từ hàng nghìn năm qua. Đối với người Việt, cây tre là một phần không thể tách rời khỏi đời sống thường ngày cũng như nền văn hóa của cả dân tộc. 

Hoa tre, loài hoa rất ít người có cơ hội nhìn thấy thường nở thành chùm, có màu vàng, tùy từng loài mà hoa sẽ có sự khác biệt ít nhiều. Ảnh: neucoyeutoi2007 (Flickr).

Gần gũi là vậy nhưng trong những cây tre tồn tại một bí ẩn to lớn, mà rất ít người có cơ hội được khám phá - đó chính là những bông hoa tre.

Điều thứ nhất khiến hoa tre được coi là một bí ẩn chính là chu kỳ nở kỳ lạ. Theo kinh nghiệm truyền lại từ nhiều thế hệ, phải từ 60 đến 100 năm, tre mới nở hoa một lần. Một khoảng thời gian dài bằng cả một đời người.

Điều thứ hai là một giai thoại: thời điểm tre nở hoa cũng là thời điểm tre bắt đầu giã từ cuộc sống. Sau mỗi vụ nở hoa, những cây tre sẽ khô kiệt, tàn úa và không bao tự giờ hồi sinh, mà phải nhờ đến bàn tay con người trồng lại.

Theo quan niệm Á Đông, tre trúc là biểu tượng của mẫu người quân tử bởi loài cây này tuy cứng mà vẫn mềm mại, đổ mà không gãy, lòng rỗng không như tinh thần an nhiên tự tại, không mê đắm quyền vị, vật chất. Và cũng như một người quân tử, tre và hoa tre chết đứng chứ không rũ xuống như những loài hoa khác. Đó quả là một hình ảnh hiên ngang hiếm thấy giữa đất trời.

Đưới đây là một số hình ảnh hoa tre ở Việt Nam được các thành viên chia sẻ trên các diễn đàn:

Hoa tre phất phơ trong gió vùng cao. Ảnh: Qvuhoang (Flickr). 

Dáng vẻ thướt tha như những cành liễu rủ. Ảnh: Phạm Quang Thái. 

Cận cảnh hoa tre với những nhụy vàng lủng lẳng. Ảnh: chu_thieu hiep (Photo.tamtay.vn).

Nụ hoa tre thon dài và cứng cáp. Ảnh: P-Nguyen (Nikonvn.com). 

Nếu nhìn kĩ, nụ hoa tre trông giống như những búp măng thu nhỏ. Ảnh: P-Nguyen (Nikonvn.com).
 Chu kỳ nở lạ lùng của hoa tre kéo dài từ 60 đến 100 năm, bằng cả một đời người. Ảnh: chu_thieu hiep (Photo.tamtay.vn).

Do rất ít cơ hội bắt gặp, những người được chiêm ngưỡng hoa tre là những người rất may mắn. Ảnh: Phạm Quang Thái.

Hoa tre khô trở thành một vật trang trí hiếm có và rất thẩm mỹ. Ảnh: P-Nguyen (Nikonvn.com).

Theo: Báo Đất Việt

Wednesday, October 19, 2011

Đẹp ngỡ ngàng nghệ thuật chạm khắc trên lá cây


Không thể tin được là những chiếc lá cũng có thể trở thành cảm hứng để các nghệ nhân sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp.
  

Các nghệ nhân của Hội Nghệ thuật chạm khắc trên lá cây ở California, Mỹ phải thực hiện một quá trình rất công phu, tỉ mỉ với 60 công đoạn mới có thể tạo nên những kiệt tác nghệ thuật thu nhỏ. 



Mỗi tác phẩm như thế này mất khoảng 1 tuần để hoàn thành.



Nghệ thuật chạm khắc trên lá cây bắt nguồn từ Trung Quốc và đã lan rộng ra khắp thế giới.


Dean Prator, 55 tuổi, Chủ tịch Hội Nghệ thuật chạm khắc trên lá cây ở California, cho hay mọi người đều rất nhạc nhiên khi chiêm ngưỡng các tác phẩm tuyệt vời trên lá.



Theo Carters

Tuesday, October 18, 2011

Bình luận tác phẩm: Một tác phẩm bonsai – Tham gia tại diễn đàn Caycanhviet.vn:




Vâng! Chào các bạn. Có tôi đây! Lâu quá, nay gặp lại anh em xin có đôi lời bình... loạn.
Trước đây thì tôi có vài bài “chê” hơi quá quắc, khiến cho có bạn phải lên tiếng điều chỉnh, và cũng do cái quá quắc đó mà cảm giác của tôi bị chai sạn một thời gian dài. Nay thì “trường đời” đã kịp cho tôi nhìn nhận lại để sống sao cho phải phép, người thương thì may ra mới dễ dàng hội nhập được. Thế nên lần này thì xin được…khen cây cho nó vui cửa vui nhà.



Trước hết, Nói về câu nói của người xưa “có gốc mới có ngọn”. Có nghĩa là cái gốc là nền tảng, nó phải có trước, phải được chăm chút cho tử tế thì mới mong có được cái thân, cái ngọn đàng hoàng…
Nói điều này là tôi muốn nêu lên một… cơ sở rất vững chắc để khen lấy khen để cái ông đại nhân người Tàu đã làm nên cái tạm gọi là tác phẩm này. Cái việc ông này coi trọng cái gốc thể hiện trên tác phẩm này thật đáng nễ. Coi trọng đến nỗi ông ta xem cái… ngọn chẳng ra gì. Mà có phải là cái ngọn không nữa, bị bẻ gãy một cách thô bạo, cụt ngũn, tàn nhẫn… Không có gì lạ. Đó là cái cách độc đáo để đại nhân này thể hiện đẳng cấp tôn sùng… cái gốc cây của mình. Đáng khen thay cho ông ta đấy chứ!
Thảo nào, “nhất đế nhì thân, không cần cái ngọn” mà lại!



Điều thứ hai đáng khen cho tác phẩm và người làm ra tác phẩm này là sự… biến hóa khôn lường, sáng tạo (!) của việc sử dụng niêm luật vào cây cối. Đây đúng là sự thể hiện một đẳng cấp rất cao của việc… tráo trở, biến không thành có, biến dỡ thành hay, biến ngày thành.... đêm tối...


Xem kìa, không sáng tạo sao được, khi cành rơi của tác phẩm lẽ ra phải xuất phát từ một vị trí đẹp, điểm dương, thì ở đây lại đi từ chỗ… lõm mà ra. Hơi vô duyên một chút nhưng rõ ràng đây là lối thể hiện tài tình của việc… phá phách! Ồ xin lỗi! lại gõ sai chính tả rồi – phá cách. Thế thì sự “vô duyên” tạm thời đó đã biến thành duyên lúc nào chẳng đặng!


Rồi điều cuối cùng muốn nói ở đây là một chi bé xíu, chi nhất từ dười lên cong cong, ngạo ngễ tạo cho ta một ấn tượng tuyệt vời về cái… đuôi chuột. Vâng. Cũng đúng thôi, lũ chuột muôn đời là kẽ thù của nhà nông, nên cũng muôn đời là kẻ thù của… đại nhân cây cảnh mà thôi. Kính nễ cho tư tưởng kiên định với kẻ thù của ông ta, chuyển tải tài tình lập trường... giai cấp vào tác phẩm.


Chỉ vài chi tiết kể ra sơ sài thế này thôi cũng đủ xếp “Quái phẩm” (xin lỗi lại nhầm từ) – tác phẩm bạch quả này vào hàng… thất hủ! Không, … bất hủ!


Cảm ơn các bạn lại cho tôi cơ hội… khen cây để lấy lại thăng bằng !


Thân!

Lê Thạnh – Dailoc - Comaihoa

Sửa lần cuối bởi Dailoc; 11-11-2010 lúc 09:25 AM.
0914.026.345 - Comaihoa@gmail.com

Bình luận tác phẩm:* Một tác phẩm bonsai trên mạng – Tham gia tại diễn đàn Caycanhviet.vn







Trích Trích dẫn được gửi bởi toctien Xem bài viết
...Sự cân bằng đến nhàm chán,Cảm giác cái phần dưới cái ngọn trên cùng được cắt bằng,sau đó úp cái ngọn lên vậy.Tả hữu đều đều như nhau.
Cái "máu phản biện" của tôi lại nỗi lên đây. Cho phép tôi có vài ý kiến làm vui.


Thường sự cân bằng dễ đem lại nhàm chán. Bạn nói quả không sai! Tuy nhiên đó là cái sự phổ biến, bình thường nhưng không phải nhất nhất lúc nào cũng thế.


Giả sử như có một tình huống thế này. Trong một khu triển lãm bonsai nghệ thuật có một ngàn tác phẩm dược trưng bày. Mỗi tác giả chỉ được phép mang đến 1 tác phẩm tiêu biểu của mình. Chắc chắn 1000 tác phẩm kia đều là những tác phẩm chỉnh chu niêm luật, khó có khả năng xuất hiẹn một cây “cân bằng nhàm chán” nào tương tự như cây này cả.



Nhưng điều gì sẽ xảy ra lúc này, khi vẫn có một nghệ nhân “tưng tửng” mang đúng cái cây này đến? Cục diện sẽ rất khác. Bấy giờ, theo tôi, cái “nhàm chán” nếu có lại rơi vào 999 tác phẩm kia. Còn “nghệ nhân tưng tửng” ấy của chúng ta lại là người sẽ được chú ý hơn cả. Ít nhất anh ta sẽ làm được cái chuyện mà 999 người còn lại không làm nỗi: Phá đi cái thế nhàm chán!


Tôi nghĩ rất có thể tác giả đã có dụng ý rõ ràng và rất có lý khi làm nên tác phẩm có cái thế tạm gọi là thế cân bằng trên đây để nhằm phá đi cái cảm giác… “nhàm chán” trong bộ sưu tập cả ngàn cây bosai của ông - vốn đều là những tác phẩm chỉnh chu và là sự chỉnh chu đến … nhàm chán!

Mặt khác, dễ thấy khi đó cả vườn cây của ông đều nhờ có tác phẩm có thế cân bằng này mà nâng cao giá trị. Nhưng ít ai ngờ, cái giá trị được nâng cao kia lại nhờ cái cây thế cân bằng được cho là ít giá trị này mang lại (!). Xét theo quan điểm hạch toán chính xác thì giá trị được nâng cao kia là phải thuộc về (hoặc phải hoạch toán cho) cây có thế cân bằng này!


Thế mới biết, điều gì cũng có thể xảy ra!
Thân ái chào và cảm ơn các bạn!

Lê Thạnh – Dailoc - Comaihoa


Sửa lần cuối bởi Dailoc; 11-06-2010 lúc 08:32 AM.
0914.026.345 - Comaihoa@gmail.com

Quả là gừng càng già càng cay bác Đại lộc ạ. Cảm ơn bác đã cho một cái nhìn biện chứng, cái mặt sau của vấn đề mà đôi khi ta hay vô tình bỏ qua. (Tieungaogiangho) 
- Chà! Tiếu Tiên sinh lại chê tôi... già rồi đây! ...



Bàn chuyện này tôi bỗng nhớ đến một câu chuyện khoa học mà tôi đọc được rất lâu ở đâu đó tôi cũng không còn nhớ nữa.
Người ta làm một cuộc điều tra xã hội học về màu sắc để làm rõ vấn đề con người hiện đại thích sử dụng hàng hóa có màu gì. Thế là người ta tổ chức nhiều gian hàng khác nhau để bán những miếng bọt biển có hình thù và kích thước giống hệt nhau, chỉ khác nhau về màu sắc.
Kết quả thống kê rất bất ngờ: Tất cả các loại màu sắc đều được yêu thích như nhau, chỉ trừ có màu trắng là ít người mua nhất. Tuy nhiên doanh số bán cao nhất lại thuộc về gian hàng có xuất hiện nhiều sản phẩm màu trắng đi cùng với những màu sắc khác. Hóa ra, người ta không thích mua sản phẩm có màu trắng nhưng sự có mặt của màu trắng lại làm cho người ta có cảm hứng, thích thú để mua những sản phẩm hàng hóa có màu sắc khác (chứ không phải màu trắng).
Trong nghệ thuật, đây là vấn đề tâm lý đôi khi được vận dụng linh hoạt trong các trường hợp cần thiết phải định hướng cảm xúc cho người thưỡng lãm.
Cái cây có thế “cân bằng đến độ nhàm chán” trên là một sự lựa chọn, trong một trường hợp tương tự như thế chăng?

Lê Thạnh – Dailoc - Comaihoa
Sửa lần cuối bởi Dailoc; 11-06-2010 lúc 09:16 AM.
0914.026.345 - Comaihoa@gmail.com

Bình luận tác phẩm: Một tác phẩm bonsai trên mạng – Tham gia tại diễn đàn Caycanhviet.vn


Tôi nghĩ rằng “tác phẩm” (xin tạm gọi như thế) này là một sự kết hợp táo bạo giữa lũa khô và cây xanh. Nhưng để thấy được cái sự “táo bạo” ấy trong phép tác hợp nghệ thuật của tác giả có mang lại giá trị gì không, cần phải tách chúng ra để nhìn nhận: lũa và cây.

Về lũa, rõ ràng đây là một trong số ít khối lũa… dỡ và xấu nhất trên đời. Xem xét và cố tìm một hình tượng hay ho hoặc chút triết lý khả dĩ nào thể hiện trên đó để khẳng định cho sự tồn tại của khối lũa nhưng rất tiếc không thể nào tìm thấy được. Vậy thì khối lũa kia có khác gì một khối… cũi? Nhưng thà là cũi còn có ích chứ cái thứ dỡ dỡ ương ương, lũa không ra lũa, cũi không ra cũi này còn làm được gì cơ chứ!


Về cây, có lẽ không cần tốn quá nhiều công sức thì vẫn có thể thấy ngay cái sự thô thiễn, vụng về mà đám thân lá bát nháo này đã trình diễn.

Vậy thì đã rõ. Hai điều tệ hại cùng tác hợp trên cùng trong một thực thể mà ta đang gọi là tác phẩm trên đây khó có thể đem lại điều gì hay ho hơn là một sự… tệ hại. Đáng tiếc và cũng đáng thương cho người đã làm nên sản phẩm này. Hẳn trước khi tác hợp cho công trình của mình ông đã bị rơi vào… thế hoang tưởng, nhìn gà hóa cuốc, võ đoán, tham lam, hồ đồ và cuối cùng là sự ngộ nhận tồi tệ.

Và đến đây thì ta cũng dễ dàng nhận ra… quốc tịch của tác giả. Chắc chẳn người làm nên tác phẩm dỡ hơi này cũng cùng “một giuộc” với bọn người đã và đang ngược ngạo, ngộ nhận, gây hấn chúng ta ngoài đảo xa, gây nên những chuyện hết sức bất bình, vi phạm vào chủ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt.

(Đôi dòng “bình loạn”, nếu có làm khó chịu xin được các bạn lượng thứ)



Lê Thạnh – Dailoc - Comaihoa


Dailoc; 27-05-2010 lúc 03:42 PM.
0914.026.345 - Comaihoa@gmail.com


Trích Trích dẫn được gửi bởi Tieungaogiangho Xem bài viết
Cảm ơn bác, chỉ có những lời đánh giá khắt khe, công tâm và sắc sảo thế này thì trình độ của anh em sẽ ngày càng được nâng cao.
Cảm ơn bác Tiếu đã động viên!
Có lẽ bác cũng nhận ra sự không bình thường trong bài viết của tôi. Đó là sự cố ý theo hướng… chê. Ở đời làm cho hay thì rất khó nhưng chê người khác thì dễ lắm bác ạ. Tôi xin chọn chuyện dễ! Và tôi chê bằng bất cứ giá nào, chê táo tợn, chê đến... hết chỗ chê. Đến lúc mọi người còn cần tôi chê thì tôi tiếp tục chê. Tất nhiên, tôi cũng chỉ dám chê đối với những tác phẩm… không phải của anh em mình mà thôi. Bắn phá anh em thì coi chừng… hết đất sống!
Hơn nữa đây là cây của người TQ. Trừ những tác phẩm giá trị của họ, còn lại thì… tôi ghét!

Lê Thạnh – Dailoc - Comaihoa
0914.026.345 - Comaihoa@gmail.com


"Mối quan hệ của cây cảnh nghệ thuật và… cái trứng vịt lộn"

 Gửi bởi Dailoc ngày 12-11-2010 lúc 06:57 AM

Chuyện khen chê trong lĩnh vực cây cảnh có khá nhiều điều để nói. Một tác phẩm trình làng, tất yếu kẻ khen thì nhiều mà người chê cũng lắm. Cái động cơ khen chê cũng khá trần ai, khoai củ, không dễ thấy, nhất là việc khen chê này lại được thực hiện bởi những cao thủ trứ danh, khéo ăn, khéo nói… lại ít làm (!).


Có người bảo là nếu anh chưa làm được một cái cây nào ra hồn thì anh không đủ tư cách để chê cây người khác. Xem ra cũng đúng (!). Nhưng lại có người bảo nói thế thì làm gì có những nhà… phê bình chuyên nghiệp suốt đời chỉ có mỗi việc khen chê để… sống (!). Lại cũng có lý lắm…



Bàn về việc này, trên một diễn đàn, tôi có phát đi một bài “tham luận” (dẫn sau). Ngay sau đó nhận rất nhiều lời bình ủng hộ, cảm ơn. Nhưng, xui cho tôi, gặp một “ông cụ” khó tính, phản ứng vô cùng dữ dội về bài viết. Lúc ấy, tôi tuyên bố chỉ một câu: “Tẩu mã thượng sách”. Và… chạy mất dép.


Nhân đây, chép lại bài viết, cũng là để tham luận vui cùng các bạn trên diễn đàn.


Bài rằng:


"Mối quan hệ của cây cảnh nghệ thuật và… cái trứng vịt lộn

Tôi thì không bao giờ và không thể nào… đẻ ra được một cái trứng vịt lộn nhưng nếu được mời ăn vài cái tôi vẫn có thể… thẩm định được đấy là trứng ngon hay dỡ. Ngược lại, rõ ràng là chính tác nhân sinh ra cái trứng vịt – con vịt đẻ - thì không thể nào biết được cái vị ngon của trứng rồi!

Vâng! Đấy là lối lập luận khôi hài nhưng lại… đúng. Thực tế có những nhà phê bình nghệ thuật nỗi tiếng (xin không nêu điển hình) nhưng suốt đời, ngoài những bài viết phê bình sắc sảo ra ông ta chưa bao giờ làm nỗi được một tác phẩm thuộc thể loại mà ông ta “kiếm chuyện” thường ngày để sống (!)…

Đó là thực tế và là sự thật mà ai cũng phải công nhận, cả trong nghệ thuật và cả trong… trứng vịt.
Vậy thì trong nghệ thuật tạo hình cây cảnh, tôi nghĩ, cũng không thể là ngoại lệ. Nên một thành viên ban giám khảo chấm thi nào đó chưa bào giờ làm được cái cây nào ra hồn, tôi nghĩ, chưa chắc ảnh hưởng gì đến… chất lượng chấm thi ở vào trình độ chuyên nghiệp thượng thừa của ông ta. Và ngược lại, một nghệ nhân nổi tiếng chưa hẳn đã làm tốt nhiệm vụ này (có khi còn làm hỏng việc cũng nên) khi ông ta chưa một lần dự khảo!

Chính như tôi, người đang gõ những dòng lập luận có vẻ như thuyết phục này, tôi tự biết mình thuộc loại người hội tụ nhiều thứ kém cõi: Chưa bao giờ làm được cây nào ra hồn, chưa hề tham gia chấm thi gì cho ai, chưa bao giờ dám phê phán, tranh luận những vấn đề về nghệ thuật với ai, cũng không thể… đẻ ra được cái trứng vịt lộn nào. Thế nhưng, rõ ràng là tôi vẫn có cảm xúc thích thú, đắm say trước một cây cảnh đẹp và vẫn cứ cảm thấy… ngon miệng mỗi khi được nhấm cái trứng lộn cùng với vài lon Heineiken chính hiệu!

Hôm nay bỗng có chút cảm hứng, Dailoc tôi xin có mấy lời bàn cùng các bác (…) về chủ đề này. Chắc chắn khó tránh khỏi chủ quan và hời hợt, xin được nghiêng mình thọ giáo. "



Các bạn TV Cây cảnh Việt kính mến! Lần này thì tôi cũng phải tự bảo chắn hẳn còn nhiều chủ quan khinh suất. Cũng mong được nghiêng mình thọ giáo. Nhưng rất hy vọng ở đây tôi... vẫn còn dép để mang đi làm cây!


Thân!                                     Lê Thạnh – Dailoc - Comaihoa 

Bình luận tác phẩm Bon sai - tren Caycanhviet.vn




Bận nhiều việc, thời gian qua tôi ít được viếng thăm và trò chuyện cùng các bạn. Hôm nay trở lại, tôi xin được nhẹ nhàng bày tỏ ý kiến của mình về tác phẩm này, theo lời đề nghị một vài chiến hữu thân.
Dáng dấp ngạo ngễ và uyển chuyển. Thân cành có đủ bộ một cành rơi và một cái ngọn vươn vươn tự đắc. Thân võ thì xù xì đầy dấu vết thời gian, cùng với một vài mút lũa khá điệu nghệ… Mọi thứ trên sản phẩm này dường như nhất loạt muốn minh chứng, diễn đạt một điều mà người làm cây nào cũng muốn có: Một tác phẩm giá trị.


Vâng! Tôi thừa nhận đây là “một tác phẩm giá trị” với điều kiện là phải đi kèm với một cái nhìn... dễ tính mà thôi. Nhưng khốn nỗi, với người chơi cây và cả đạo chơi cây chân chính được gìn giữ bao đời nay thì khó có thể có một cái nhìn hời hợt, dễ tính và có thể dễ… bị mua chuộc đến vậy. Chỉ xin được đưa ra 3 nhận xét về 3 bộ phận chính của cái gọi là tác phẩm này: Phần ngọn, thân và gốc.



- Cái ngọn ư? Vâng cứ gọi nó là cái ngọn cho công bằng. Nhưng hãy xem xét lý do và cả ý đồ của tác giả khi trình làng một tác phẩm hoàn chỉnh lại có một cái dây cột, kéo phần ngọn khá lộ liễu như thế?
Hẳn ai cũng biết, bộ phận ngọn của bất kỳ một cây nào cũng đều chứa rất nhiều đỉnh sinh trưởng và là những đỉnh sinh trưởng quan trọng nhất của một thực thể thực vật sống, nó quyết định cho sự tồn tại, phát triển của thực thể này, nó đáng được tôn trọng hay ít nhất là sự cẩn trọng tối thiểu. Thế nhưng, đáng tiếc thay cái đầu tàu quyết định cho tương lai ấy lại bị chính tác giả - người cha tinh thần của nó đang tâm… dùng dây cột lại để kéo giật một cách thô bạo. Theo tôi, đó là một lối bạo hành trong cây cảnh. Mà bạo hành thì dù với hình thức nào, ở đâu cũng đáng được lên án và tiêu diệt nhằm tránh đi những tội ác hay chí ít là mầm mồng của tội ác có thể có về sau.




- Phần thân cây, tác giả cố ý để lại vài mẫu lũa, thoạt trông rất là “điệu nghệ”. Nhưng hãy chờ xem chúng có còn là điệu nghệ không khi đó là những vết gãy, nhọn, sắc cạnh…, là dấu tích, hệ quả của những cuộc bẽ gãy hết sức cẩu thả mà lẽ ra sau nỗi trút giận lên cây, ít nhất tác giả phải bình tâm dành thời gian trau chuốc, che đậy đi sự tàn nhẫn của mình. Nhưng rõ ràng là tác giả đã bỏ mặc cho cây tự “lo” cho vết thương của mình. Vậy thì không phải bình cũng đủ thấy tính cách và cái tâm của tác giả khi “làm “ cây này.


- Cuối cùng xin được xem vào cái gốc cây và cũng là cái gốc… của vấn đề.
Dẫu có nhẫn đến mấy ta cũng khó có thể kìm hãm được sự khó chịu khi phải nhìn một tác phẩm vào hàng “giá trị” như thế này lại được đứng trên nền tảng của một cái gốc teo tóp với vài ba cái rễ lèo tèo chỉ vừa đủ để nâng cái thân hình nặng trịch, ỏng ẹo với cái bụng to tướng, giống hệt dáng dấp của mấy … đại gia rững mỡ thời nay mà thôi.
Đến đây thì lòng yêu… nước đã khiến tôi tưởng tượng ra tác giả - một ông “tàu" to béo, bụng phệ, kênh kiệu, luôn luôn xem thường thiên hạ mà không hề nghĩ chỗ này chỗ kia mình cũng thuộc hàng chẳng ra gì.


Đấy! “tác phẩm giá trị” này, dưới một góc nhìn vào hàng… cẩn thận thứ chót thiên hạ như tôi là vậy. Kính mong các bậc cao… cây bỏ qua sự khinh suất nếu có và xin được nghiêng mình thọ giáo.

Lê Thạnh – Dailoc - Comaihoa


Sửa lần cuối bởi Dailoc; 27-07-2010 lúc 02:41 PM.
0914.026.345 - Comaihoa@gmail.com

______________________________

TocTien:
" Bác Thử làm một cây thông chơi đi ,rồi Bác sẽ hiểu cái Gốc mà bác nói nó nan giải thế nào.,ha...ha,,,. Theo em nhận định thì đây là 1 cây được khai thác từ tự nhiên,vì vậy quá trình để hoàn thiện được một bệ đẹp cũng rất khó và cần nhiều thời gian.Bác muốn ngắm thông có bộ bệ đẹp thì chỉ có xem cây được trồng từ hạt và được huấn luyện từ nhỏ thôi.
Ngọn và Thân,nghe Bác phân tích ,đánh giá và phê bình .Theo em cảm nhận thì Bác ko có cảm tình với Bonsai ngoại thì phải.
Theo em ,cây Thông mà các Bác đang bình luận là một cây chưa hoàn thiện.Vì vậy những đánh giá ,bình luận của Bác chưa thể phản ánh hết những gì tác giả muốn gửi gắm vào nó.
Em chỉ có đôi dòng cùng Bác vậy,có gì làm Bác ko vui mong Bác bỏ qua cho."




_______________
Dailoc:

Cảm ơn Toctien đã có ý kiến phản hồi.
Bạn nói đúng và tôi cũng hiểu rằng chỉ khi “có ở trong chăn mới biết… không có rận”!
Thú thật với bạn tôi cũng có chơi và làm được một ít cái gọi là cây cảnh, trong đó cũng có vài cây thuộc họ thông tùng nên tôi cũng hiểu được phần nào cái nhọc nhằn của người làm cây. Tuy nhiên, đó là dưới góc độ người làm cây mà thôi, tôi không nhìn nhận với góc độ đó. Ở đây, khi đã đóng vai một người thẩm định tác phẩm, vác mắt soi cây, tôi nghĩ không được phép vì thương mà bỏ qua những lỗi lầm, những khiếm khuyết thể hiện rõ ràng trên tác phẩm. Làm cây cũng là sáng tác, trước hết nghệ nhân phải bỏ ra nhiều công sức và tâm huyết thì mới mong có được một tác phẩm giá trị chứ không ai lại bỏ qua những lỗi kỹ thuật một cách dễ dàng, để rồi lại phải… kể lể cái nỗi nhọc nhằn của mình (vì cây thông cứng, khó làm quá...) để mong… được bà con thông cảm, khi tác phẩm trình làng.

Lê Thạnh – Dailoc - Comaihoa

Sửa lần cuối bởi Dailoc; 01-08-2010 lúc 10:26 AM.
0914.026.345 - Comaihoa@gmail.com

Bình luận tác phẩm: “Miền Sông Nước” – Đá cảnh của Cothachquan




Quan sát kỹ tác phẩm này, tôi có chút nhận xét thế này:
Với một góc chụp trực diện, dùng ánh sáng ngược, phông nền giản dị, bạn đã thành công khi thể hiện được hình ảnh chiếc thuyền đá và ngư ông buông cần, vừa lung linh huyền ảo, lại vừa rất sắc nét giữa không gian mênh mông hồ. đẹp lắm!


Hình ảnh chiếc thuyền câu nhỏ bé, ngư ông cũng bé nhỏ, tĩnh lặng mênh mông giữa mặt hồ, thật ra là một hình tượng rất đắc, đã được khai thác ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật và đã để lại nhiều tác phẩm ở hàng kinh điển. Bạn có còn nhớ ba bài thơ thu bất hủ của Nguyễn Khuyến không? Tác phẩm của bạn khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh chiếc thuyền câu trong bài Thu Điếu:
“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo…”
Vậy thì nên chăng gọi tên của tác phẩm của bạn là “Thu Điếu” (Câu cá mùa thu). Nhưng nếu bạn ngại “phạm huý”, xúc phạm đến tên một tuyệt tác của cụ Tam Nguyên Yên Đỗ thì bạn có thể gọi là “Thuyền câu” chẳng hạn, cũng được.
Sở dĩ nói bạn nên đổi tên, không nên gọi “Miền sông nước” là vì chủ đề chính và cũng là đối tượng chính của tác phẩm của bạn là viên đá. Nên tên gọi của tác phẩm cũng phải xuất phát từ viên đá. Mà viên đá của bạn lại đang có hình tượng một chiếc thuyền câu. Còn “sông nước” ở đây chỉ là bối cảnh phụ hoạ để nâng tầm ý nghĩa tác phẩm mà thôi…

Cuối cùng thì nét đẹp của toàn bộ tác phẩm được diễn tả trên đây, là cảm nhận cho… bức ảnh của bạn thôi chứ chưa phải cho viên đá - với tư cách là một tác phẩm đá cảnh nghệ thuật nghe bạn…

Le Thanh - Comaihoa - Dailoc 0914.026.345

Bình luận tác phẩm: “Chiến mã” – Đá cảnh của Cothachquan




“Con ngựa” này có cái bờm dựng, rất đặt trưng cho một chú chiến mã, đang ở tư thế chồm lên, như đang phi nước đại ở chốn sa trường. Rõ ràng đây là tư thế động, là một yếu tố dễ khai thác được những chủ đề hay trong các tác phẩm tạo hình, vốn là những thứ mang tính chất… tĩnh.
Tuy nhiên, nếu là ngựa thì tiếc thay chú ta lại chuyện thiếu đi một chút đá để làm cái đuôi. Hơn nữa, hình như phiến đá này có nhiều góc cạnh quá. Chưa rõ những góc cạnh đó như thế nào nhưng ít nhiều nó làm mất đi rất nhiều giá trị của viên đá. Điều đó cũng có nghĩa, xét về hình thể của tác phẩm, phiến đá này chưa đạt được cái chuẩn cần thiết.
Thế ta chỉ nên khai thác ở cái phần “động” hiếm hoi đang có, mà phớt lờ đi cái “tĩnh”, khi đặt tên cho viên đá.
Với lý đo đó, nếu viên đá là của tôi, tôi sẽ gọi nó là “Nước đại”, “Bước nhảy”, hoặc “Thăng Thiên”…
Vài dòng còn rất kém cõi để góp ý cùng bạn. Nếu không phải xin bạn bỏ quá cho.



Thân ái chào bạn!
Le Thanh - Comaihoa - Dailoc 0914.026.345

(Bai dang tren Dien dan Caycanhvietnam.com)

Bình luận tác phẩm: “Xa khơi” – Đá cảnh của Cothachquan





Gửi Cothachquan!


Chế tác một chiếc thuyền bé bỏng bằng gỗ tốt (hình như là gỗ hương) với nhiều chi tiết khá đặc trưng, lại được trang trí thêm một cột buồm và hệ thống dây chằng ngạo nghễ, làm toát lên chủ đề về một chiếc thuyền đang thẳng tiến ra khơi. Có thể nói tác phẩm của bạn rất công phu về nghệ thuật và rất sâu sắc về ý tưởng.
Tuy nhiên, cái sự công phu và sâu sắc đó rất tiếc lại rất xa lạ với bộ môn đá cảnh. Cái tên tác phẩm (xa khơi) mà bạn đặt cho cùng đã nói thêm cho điều này. Vì “xa khơi’ hay “lộng gió” đi chăng nữa, cũng là để thể hiện cho chủ đề một chiếc thuyền đang căng gió ra khơi. Nhưng chiếc thuyền đó lại… làm bằng gỗ!


Có thể đây là một xu hương nghệ thuật mới, kết hợp giữa nghệ thuật điêu khắc với đá cảnh. Tuy nhiên, điều rõ ràng là trong “Đá cảnh nghệ thuật” thật sự không có sự kết hợp quá đỗi… sâu đến vậy.


Thân ái chào bạn!
Le Thanh - Comaihoa - Dailoc 0914.026.345

Friday, October 14, 2011

Những khoảnh khắc kỳ diệu ở động vật hoang dã châu Phi

Xin giới thiệu tới bạn đọc những khoảnh khắc kỳ diệu của động vật hoang dã châu Phi qua những bức ảnh vô cùng sống động của nhiếp ảnh gia Andy Biggs, khi ông lang thang khắp “lục địa đen” trong 6 năm qua.


Trận đánh ác liệt của hai con linh dương đầu bò ở khu bảo tồn thiên nhiên Ngorongoro, Tanzania
Đàn hươu cao cổ tung mình trong nắng thu ở khu bảo tồn Moremi Game, Botswana
Một gia đình voi đang chạy và vui đùa giữa vùng đồng cỏ ngập nước ở khu bảo tồn Moremi Game, Botswana
Kỳ diệu đàn chim hồng hạc tung cánh ở khu bảo tồn Ngorongoro, Tanzania
“Kỷ lục gia” chạy nhanh nhất đang chạy vụt xuống một cây khô ở công viên quốc gia  Serengeti, Tanzania
Chú sư tư trông thật oai vệ giữa thiên nhiên hoang dã Ngorongoro, Tanzania
Con hà mã đang biểu diễn cái miệng “vô địch” của nó ở công viên quốc gia Serengeti, Tanzania
Con sư tử cái đang ẩn mình trong đồng cỏ vàng rực để phục kích con mồi ở khu bảo tồn Ngorongoro, Tanzania
Đàn ngựa vằn chạy trong mùa di trú ở công viên quốc gia  Serengeti, Tanzania
Hai con voi đang âu yếm ở công viên quốc gia Tarangire, Tanzania
THIÊN NHIÊN (Theo The Sun)
Tuoitre